Tình trạng các bệnh viện, trung tâm y tế thiếu thuốc, vật tư y tế đã diễn ra trong thời gian dài. Ảnh: Nhã Chi |
Nỗi niềm người bệnh
Ông Nguyễn Thanh Trung ở quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) bị tai nạn gãy chân được người nhà đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng điều trị, nhưng Bệnh viện hết vật tư phục vụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình như: nẹp, đinh vít… Người nhà ông Trung buộc phải tìm một bệnh viện khác còn vật tư thiết bị y tế phù hợp để cứu chữa cho ông.
Ông Trung chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân phải chuyển viện, vì khoảng hụt trang thiết bị y tế cơ bản tại bệnh viện. TS.BS Trần Đình Vinh tâm sự, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mới đây tiếp nhận bệnh nhân nhi bị bệnh Kawasaki (viêm động mạch vành, có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim), nhưng Bệnh viện đã phải bó tay vì không còn thuốc đặc trị. Liên hệ các bệnh viện trên khắp cả nước, chỉ duy nhất Bệnh viện Trung ương Huế còn loại thuốc này, bệnh nhân được chuyển ra Huế điều trị. Theo ông Vinh, nếu không được cứu chữa kịp thời thì 99% bệnh nhân dạng này phải chịu hậu quả tiên lượng xấu.
Không riêng tại Đà Nẵng, tình trạng các bệnh viện, trung tâm y tế thiếu thuốc, vật tư y tế đã diễn ra trong thời gian dài tại nhiều tỉnh, thành và vẫn chưa được khắc phục. Trong hoàn cảnh hiện tại, người bệnh buộc phải chủ động tìm nơi còn thuốc, còn trang thiết bị phù hợp.
Quan sát từ thực tế cho thấy, tình trạng thiếu thuốc trong bệnh viện vô hình trung thúc đẩy các giao dịch thuốc ngoài bệnh viện sôi động hơn nhiều. Chia sẻ của một chủ quầy thuốc tư nhân cho biết, người mua tăng gấp 3 - 5 lần so với trước đây (tùy loại thuốc). Nhiều thuốc đặc trị thiếu hàng, cửa hàng tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị có hàm lượng tương tự. Trong hoàn cảnh có tiền cũng chưa chắc mua được đúng thuốc, tính mạng người bệnh không được bảo vệ trọn vẹn, mà nguyên nhân chính là công tác mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế vướng thủ tục.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, thực tế kết quả đấu thầu tập trung cấp địa phương không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Để phục vụ bệnh nhân, các cơ sở y tế phải chủ động mua sắm bổ sung thuốc theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, thuốc cần mua sắm bổ sung chủ yếu là các thuốc hủy thầu do không lựa chọn được nhà thầu trước đó. Một số thuốc có rất ít đơn vị cung ứng và số lượng hàng về không liên tục, đồng thời, nhu cầu sử dụng của bệnh viện không nhiều nhưng là mặt hàng cần thiết (protamin dùng trong mổ tim, huyết thanh kháng bạch hầu…), nên không có cơ sở để thực hiện mua sắm theo các hình thức đấu thầu rộng rãi (do tốn nhiều thời gian, giá trị thấp) hay mua sắm trực tiếp (do không có hợp đồng đấu thầu rộng rãi tương tự phù hợp).
Bên cạnh đó, danh mục tổng hợp kết quả trúng thầu do Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) công bố trên trang thông tin điện tử không cập nhật hết các kết quả trúng thầu nên việc rà soát giá và tìm giá trúng thầu làm cơ sở xây dựng giá kế hoạch rất khó khăn. Ngoài ra, khi làm việc với Bảo hiểm Xã hội, trong quá trình xây dựng giá kế hoạch thường ưu tiên lựa chọn giá trúng thầu thấp nhất. Có nhiều nhà thầu dự thầu và báo giá thấp nhất nhưng khi trúng thầu thì không liên hệ được, dẫn tới mất thời gian, không có thuốc để sử dụng cho người bệnh. Với mặt hàng thuốc ít đơn vị cung ứng, không có kết quả trúng thầu tương tự, phải tham khảo giá thị trường thì việc thu thập các báo giá rất khó khăn...
Làm thế nào giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang là câu hỏi lớn mà các y, bác sĩ, người bệnh và cả xã hội quan tâm. Bà Trần Thanh Thủy cho rằng, cơ quan chức năng cần tháo gỡ ngay các vướng mắc trong xây dựng giá dự toán để các đơn vị không còn lúng túng trong việc vừa đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, vừa kịp thời mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất phục vụ khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần thống nhất nguyên tắc chọn giá trong dải giá trúng thầu đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế làm giá kế hoạch (trong trường hợp có nhiều giá trúng thầu khác nhau), để có sự thống nhất chung, thuận lợi cho quá trình thực thi nhiệm vụ của đơn vị trình mua sắm và cơ quan thẩm định.