Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 được kỳ vọng giải quyết những tồn tại trong thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế |
“Như nắng hạn gặp mưa rào”
Ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu tại tầng 6 nhà D Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào ngày 3/3/2023, bệnh nhân và người nhà đứng ngồi la liệt vòng trong, vòng ngoài với ngổn ngang hành lý chuẩn bị cho kế hoạch nằm viện dài ngày.
Người nhà ông Hoàng Văn Lương (70 tuổi) ở Thái Bình bị xẹp cột sống đang chờ trước Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện cho biết: “Bệnh nhân từng mổ ở tuyến tỉnh nhưng không đỡ nên xin chuyển lên tuyến trên. Nhập viện từ thứ Hai (ngày 27/2/2023), nhưng bệnh nhân vẫn chưa được xếp lịch mổ. Bác sĩ thông báo Bệnh viện phải ưu tiên mổ cho các ca cấp cứu vì hết vật tư y tế (VTYT) dự phòng, chưa mua mới được”. Tại Nhà thuốc số 1 của Bệnh viện, nhiều người nhà bệnh nhân rất lo lắng vì không mua được loại thuốc, VTYT mà bác sĩ chỉ định mua ngoài để phục vụ ca mổ và điều trị…
Nhận diện vấn đề thiếu thuốc, VTYT mà lãnh đạo các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… phản ánh gần đây là rất trầm trọng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP để giải quyết các vấn đề về số lưu hành, lấy báo giá để lập giá kế hoạch, thanh toán bảo hiểm y tế cho nhà thầu trúng thầu hóa chất vận hành máy đặt, máy mượn…
“Với văn bản mới, chúng tôi sẽ rất bận rộn, vì phải dồn hết sức cho việc đấu thầu, vận hành máy đặt, máy mượn tại các bệnh viện công, làm thủ tục thông quan hàng hóa đang nằm chờ ở cảng mấy tháng nay, chưa được nhập vào, không làm nhanh sẽ hết hạn sử dụng là vứt đi. Bận nhưng mà vui”, một nhà thầu trang thiết bị y tế hy vọng.
Một số lãnh đạo bệnh viện chia sẻ niềm vui khi những nút thắt trước mắt đã được giải tỏa, gỡ bớt gánh nặng tâm lý và thủ tục, tạo thuận lợi cho những người tham gia công tác đấu thầu của ngành y tế. Bác sĩ sẽ có phương tiện để làm việc hiệu quả. Bệnh nhân có thuốc, VTYT để khám, điều trị và được đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế.
Đẩy mạnh đấu thầu thuốc, vật tư y tế qua mạng
Cùng với quá trình hoàn thiện thể chế, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương số hóa, ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa ngành y, phục vụ hiệu quả hơn cho hoạt động KCB.
Theo lộ trình tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, kể từ ngày 1/1/2023, bắt buộc đấu thầu qua mạng (ĐTQM) tất cả gói thầu thuốc, VTYT trọn gói và chia theo nhiều phần/lô. Tính đến nay, cả nước có hơn 250 gói thầu đã và đang triển khai ĐTQM, trong đó có những gói thầu với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhiều địa phương triển khai rất tích cực, đặc biệt là một số huyện miền núi cũng đã tổ chức ĐTQM thành công.
Tuy vậy, hiện còn một số địa phương, trong đó có cả những tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM vẫn e ngại, lúng túng, bị động trong việc thực hiện, thậm chí không muốn ĐTQM như đề xuất của đại diện Sở Y tế TP.HCM tại một cuộc họp báo mới đây với lý do được viện dẫn là vì hạ tầng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truy cập; đăng tải thông tin đối với gói thầu có danh mục hàng hóa nhiều thường bị gián đoạn…
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, ông hiểu lý do mà TP.HCM đề xuất “làm như cũ”: “Bao giờ cũng vậy, khi chuyển từ cái cũ sang cái mới, người ta thường có tâm lý e ngại, sợ sai, còn bỡ ngỡ khi làm. Do vậy, quan trọng nhất là sự quyết tâm, mạnh dạn thay đổi. Tại Bắc Ninh, ngay từ đầu, lãnh đạo Tỉnh đã xác định, phải thực hiện theo lộ trình ĐTQM, khó đến mấy cũng phải làm”, ông nói.
Theo thống kê, Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh đã tổ chức ĐTQM hàng chục gói thầu (bao gồm cả thuốc và VTYT trọn gói, nhiều phần/lô). “Mọi việc khá suôn sẻ, chưa có vướng mắc gì quá lớn. Một số gói thầu có rất nhiều nhà thầu tham dự. Trong quá trình thao tác nhập liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trước đây, các gói thầu nhiều phần/lô bị chậm vì file dung lượng lớn, nhưng đến nay vấn đề này đã được khắc phục. Việc lựa chọn nhà thầu qua mạng nhàn hơn trước nhiều, thuận tiện trong việc tìm kiếm và minh bạch thông tin hơn”, cán bộ của Bệnh viện nhận xét.
Kỳ vọng khi các địa phương đẩy mạnh đấu thầu thuốc, VTYT qua mạng sẽ gia tăng tính cạnh tranh tại các gói thầu, bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ thuốc, VTYT cho người bệnh với chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
“Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ các chủ thể triển khai hiệu quả đấu thầu qua mạng”
Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia
Để giúp người dùng thích nghi với môi trường mạng của Hệ thống, tránh sự bỡ ngỡ, lúng túng trong quá trình thao tác ban đầu, Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM cũng như các địa phương khác, với mong muốn các chủ thể sẽ triển khai đấu thầu qua mạng đạt hiệu quả tốt nhất. Thực tế, Trung tâm đã và đang triển khai nhiều kênh hỗ trợ người dùng khác nhau như: Tổng đài Đường dây nóng (trong đó có dành riêng một số line chuyên hỗ trợ thuốc, vật tư thiết bị y tế), Catalog hướng dẫn sử dụng, các diễn đàn trao đổi nghiệp vụ công khai trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…), hay thông qua các đầu mối như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế địa phương, hiệp hội doanh nghiệp… Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến tổ chức nhiều khóa tập huấn miễn phí cho các đơn vị có nhu cầu.