Đấu thầu qua mạng thuốc, vật tư y tế: Tại sao không?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh thuốc, vật tư y tế bệnh viện thiếu trầm trọng, Chính phủ đang gấp rút tìm biện pháp giải quyết, thì các cơ sở y tế ở TP. HCM lại “xin” không đấu thầu qua mạng. Lý do TP. HCM đưa ra là hạ tầng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng, đặc biệt là các gói thầu 300 mặt hàng trở lên...  Đề xuất này gây bất ngờ bởi TP. HCM kêu khó, trong khi nhiều cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, tuyến huyện, xã lại thực hiện trơn tru...
Để bắt kịp với phương thức đấu thầu qua mạng, hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở y tế cần có sự đổi mới
Để bắt kịp với phương thức đấu thầu qua mạng, hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở y tế cần có sự đổi mới

Những con số biết nói

Theo thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, kể từ ngày 1/1/2023, thời điểm Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bắt buộc đấu thầu qua mạng theo lộ trình đối với thuốc, vật tư y tế tới ngày 3/3/2023, các cơ sở y tế trên cả nước đã đăng tải thành công hơn 250 thông báo mời thầu về thuốc, vật tư y tế. Trong số này có những gói thầu chia phần với số lượng lớn như: Gói thầu Mua thuốc tập trung năm 2023 của tỉnh Kon Tum với 988 mặt hàng thuốc (mỗi mặt hàng là một phần), Gói thầu Mua thuốc tập trung năm 2023 - 2024 của tỉnh Bắc Ninh với 866 mặt hàng; Bệnh viện Đa khoa Nghệ An mua vật tư y tế với 636 phần; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An mua vật tư y tế với 606 phần; Bệnh viện Bạch Mai mua vật tư với 598 phần…

Đặc biệt, những cơ sở y tế ở tuyến huyện xa xôi như Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn, huyện Hưng Nguyên, huyện Kỳ Sơn, huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng đều đấu thầu qua mạng vật tư y tế với khoảng trên dưới 300 phần. Gói thầu quy mô khủng 35 nghìn tỷ đồng “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cũng đã đăng tải hồ sơ mời thầu thành công trên mạng.

Gói thầu Mua thuốc tập trung năm 2023 - 2024 của tỉnh Bắc Ninh với 866 mặt hàng có 107 nhà thầu tham dự

Gói thầu Mua thuốc tập trung năm 2023 - 2024 của tỉnh Bắc Ninh với 866 mặt hàng có 107 nhà thầu tham dự

Đấu thầu qua mạng vẫn được coi là phương tiện hiệu quả để công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính… Gói thầu thuốc mở thầu gần đây nhất là vào ngày 3/3/2023 của Bệnh viện huyện Đan Phượng với 187 mặt hàng thuốc, thu hút 47 nhà thầu tham dự thầu qua mạng. Đấu thầu qua mạng xóa nhòa khoảng cách địa lý, tạo cơ hội cho rất nhiều nhà thầu tiếp cận gói thầu, cạnh tranh trong kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo ước tính của Trung tâm Mạng đấu thầu quốc gia, mỗi một nhà thầu tham dự thầu tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng (chi phí đi mua hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ, photo, in ấn tài liệu…). Các cuộc thầu được rút ngắn đáng kể thời gian tổ chức đấu thầu, do tất cả các khâu từ phát hành hồ sơ mời thầu, làm rõ hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu… đều được thực hiện qua mạng.

Trở lại với việc Sở Y tế TP.HCM “xin” không đấu thầu qua mạng với lý do Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng về hạ tầng, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo tại Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, Đường dây nóng của Trung tâm không nhận được cuộc gọi nào từ Sở Y tế TP. HCM cũng như các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố, yêu cầu hỗ trợ cho cuộc thầu qua mạng.

Vị này cho biết thêm, theo quy trình hiện tại, đối với thuốc, cơ sở y tế chỉ tải một lần danh mục thuốc lên Hệ thống khi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sau đó Hệ thống sẽ tự động trích xuất danh mục vào hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu mà không phải đăng tải lại. Đối với vật tư y tế, bên mời thầu cũng chỉ tải danh mục một lần khi phát hành hồ sơ mời thầu, nên không có chuyện phải đăng danh mục ở cả kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu như phản ánh. Việc tải danh mục thuốc/vật tư y tế thực chất là tải file excel lên Hệ thống, trong file có thể có 2.000 - 3.000 dòng (mặt hàng) hay chỉ 200 - 300 dòng, thậm chí là 20 - 30 dòng, không có sự khác biệt về số lượng dòng khi tải file excel, do vậy gói thầu chỉ có 20 - 30 phần hay 2.000 - 3.000 phần đều tải lên Hệ thống với cách thức tương tự mà không gặp trở ngại.

Kể từ ngày 1/1/2023, thời điểm Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT bắt buộc đấu thầu qua mạng theo lộ trình đối với thuốc, vật tư y tế tới ngày 3/3/2023, các cơ sở y tế trên cả nước đã đăng tải thành công hơn 250 thông báo mời thầu về thuốc, vật tư y tế

Kể từ ngày 1/1/2023, thời điểm Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT bắt buộc đấu thầu qua mạng theo lộ trình đối với thuốc, vật tư y tế tới ngày 3/3/2023, các cơ sở y tế trên cả nước đã đăng tải thành công hơn 250 thông báo mời thầu về thuốc, vật tư y tế

Giảm bớt gánh nặng cho bên mời thầu, nhà thầu

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ đấu thầu trong lĩnh vực y tế chia sẻ, trước ngày 1/1/2023, nước ta chưa đấu thầu qua mạng thuốc, vật tư y tế. Theo đó, cơ sở y tế chỉ đăng tải các thông tin như kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu lên Hệ thống, nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu trực tiếp cho bệnh viện. Tại thời điểm Hệ thống đấu thầu quốc gia mới được đưa vào sử dụng (16/9/2022), mặc dù đấu thầu không qua mạng nhưng không phải danh mục thuốc, vật tư nào cũng có mẫu excel để tải lên Hệ thống nên nhiều khi để đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, phải gõ từng dòng, mất rất nhiều thời gian, gói nào có tầm 100 mặt hàng trở lên là rất vất vả. “Tuy nhiên, từ ngày đấu thầu qua mạng thuốc, vật tư y tế thì khá nhàn, danh mục thuốc, vật tư y tế chỉ tải lên Hệ thống 1 lần qua file excel, nhanh chóng, thuận tiện, thời gian chỉ mất 1 - 2 phút, không còn tình trạng như lúc đấu thầu không qua mạng trước đây”, ông nói.

Tìm hiểu từ thực tế cho thấy, trước đây, chi phí bán hồ sơ mời thầu dao động khoảng 1 - 2 triệu đồng, có bệnh viện riêng tiền bán hồ sơ mời thầu trong năm đã được hàng trăm triệu đồng, đủ để trang trải một số chi phí tổ chức đấu thầu cũng như bồi dưỡng thêm cho cán bộ đấu thầu. Kể từ khi Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực, mặc dù kể cả đối với đấu thầu truyền thống, hồ sơ mời thầu phải phát hành miễn phí trên mạng, nhà thầu tham dự thầu vẫn phải nộp tiền mua hồ sơ mời thầu. Đơn cử trường hợp gói thầu của Bệnh viện huyện Đan Phượng, nếu không đấu thầu qua mạng thì với 47 nhà thầu, Bệnh viện sẽ thu được gần 100 triệu đồng/gói thầu, đã vậy còn không phải bỏ chi phí in hồ sơ dự thầu vì nhà thầu phải nộp cả bản gốc và bản chụp hồ sơ dự thầu. Khi chuyển sang đấu thầu qua mạng, Bên mời thầu không thu được tiền bán hồ sơ mời thầu, nhưng hình thức này giúp giảm nhiều thủ tục hành chính, thúc đẩy tính công khai, minh bạch, tăng tính cạnh tranh và cải thiện hiệu quả của gói thầu.

Để không bị bỏ lại phía sau

Để bắt kịp với phương thức đấu thầu qua mạng, hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở y tế cần có sự đổi mới. Đây là một điểm khó, vì nhiều cơ sở y tế, chất lượng hạ tầng kỹ thuật có thể chưa đáp ứng được yêu cầu. Máy tính cấu hình kém, tốc độ đường truyền yếu khiến đấu thầu qua mạng trở thành một cuộc “vật lộn”. “Thời gian đầu, tôi toàn đợi đến khuya để tải hồ sơ lên mạng cho nhanh. Hiện tại, cơ quan đã đầu tư đường truyền chất lượng nên mọi thứ trở nên đơn giản hơn nhiều”, một cán bộ đấu thầu ở cơ sở chia sẻ.

Liên quan đến đề xuất từ TP. HCM, nhiều ý kiến cho rằng, việc các cơ sở y tế ở TP. HCM “xin” không đấu thầu qua mạng không hẳn để tránh “minh bạch” hay “tiếc” tiền bán hồ sơ mời thầu, mà phải chăng cái gì mới cũng khiến nơi này, nơi khác có phần dè dặt, e ngại? Đầu tư đường truyền mạng tốt, trang bị thêm kiến thức đấu thầu qua mạng, có lẽ là điều các cơ sở y tế TP. HCM cần làm lúc này. Là Thành phố hiện đại nhất Việt Nam, thay vì “xin” không, hãy mạnh dạn tiến hành đấu thầu qua mạng và TP. HCM không nên đi sau các tỉnh, huyện xa xôi của cả nước trong lĩnh vực này.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư