Sửa đổi Luật Đấu thầu: Tạo thuận lợi cho hoạt động mua sắm thuốc, vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kỳ vọng những đề xuất mới trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ góp phần khắc phục khó khăn, tạo thuận lợi và tăng tính chủ động, linh hoạt cho hoạt động mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT). Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng, để giải bài toán thiếu thuốc và vật tư y tế, còn cần sự đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan cũng như hệ thống văn bản hướng dẫn dưới luật.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế diễn ra tại nhiều bệnh viện công lập, nhất là các mặt hàng thuốc hiếm, thiết bị y tế công nghệ cao. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế diễn ra tại nhiều bệnh viện công lập, nhất là các mặt hàng thuốc hiếm, thiết bị y tế công nghệ cao. Ảnh: Lê Tiên

Vướng mắc chủ yếu từ khâu thi hành luật

Chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, ĐBQH Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) đánh giá, các quy định của Luật Đấu thầu trong thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các dự án/dự toán. Mặc dù vậy, vẫn còn có độ vênh trong khâu tổ chức thực hiện, đơn cử như vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, TTBYT xảy ra trong thời gian qua.

Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, một số văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế, phát sinh nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các cơ sở y tế (CSYT) và nhà thầu như: Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý TTBYT, Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược, Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu TTBYT tại các CSYT công lập, Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các CSYT công lập…

Chẳng hạn, Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định giá TTBYT không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng, nếu giá cao hơn thì phải giải trình nguyên nhân. Theo ĐBQH Quản Minh Cường (Đồng Nai), nếu bắt buộc áp dụng giá gói thầu bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng thì mặc nhiên 10 năm sau, giá thuốc về 0 đồng. Điều này đi ngược với quy luật thị trường, dẫn đến việc doanh nghiệp không muốn dự thầu.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một chuyên gia y tế cho biết, Luật Đấu thầu có quy định về trường hợp mua sắm trong trường hợp đặc biệt do Thủ tướng xem xét, quyết định, không theo các hình thức mua sắm quy định trong Luật (Điều 26). Tuy nhiên, Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu (LCNT) trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu không có quy định về mua sắm trong lĩnh vực y tế. Vì vậy, trong trường hợp cấp bách như giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, các đơn vị của ngành y tế rơi vào tình thế bị động và lúng túng trong triển khai mua sắm, không tận dụng được những quy định hiện hành của Luật Đấu thầu để khắc phục khó khăn trong mua sắm thuốc, TTBYT. Từ đó làm kéo dài tình trạng thiếu thuốc, TTBYT tại nhiều CSYT, nhất là đối với các mặt hàng thuốc hiếm, thiết bị y tế công nghệ cao, các thiết bị cấy ghép/thay thế mô/bộ phận cơ thể, hoặc các mặt hàng thiết yếu nhưng có nhu cầu sử dụng ít và không có nhiều nhà sản xuất/cung ứng như: thuốc chống sốc bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, thuốc giải độc, thuốc ARV điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, hóa chất điều trị ung thư…

Mặt khác, nhiều ý kiến chỉ ra, việc thiếu thuốc, TTBYT còn có nguyên nhân chủ quan là do nhiều bệnh viện có tâm lý e ngại khi mua sắm, sợ trách nhiệm, triển khai đấu thầu chậm… Rào cản này bắt nguồn từ những vướng mắc, bất nhất và thiếu rõ ràng trong thực hiện chính sách “máy đặt, máy mượn”; bất cập trong đấu thầu và thanh quyết toán bảo hiểm y tế chi mua hóa chất theo máy. Bên cạnh đó là tình trạng khan hiếm nguồn cung hoặc lo ngại gặp rủi ro chính sách nên nhà sản xuất/cung ứng không dự thầu. Đồng thời, cũng không loại trừ những chấn động lớn từ các vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị xử lý nghiêm trong thời gian gần đây…

Kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn

Làm thế nào để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, TTBYT là một trong những đầu bài được Chính phủ, Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra cho Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, trong đó có cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Để giải quyết bài toán này, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội lần đầu vào ngày 7/11/2022 đề xuất, đối với trường hợp LCNT cung cấp vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, mua thuốc của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh công lập, CSYT không bắt buộc phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, mà tự ban hành quy định về LCNT để áp dụng thống nhất trong đơn vị trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu mua thuốc cấp cứu, mua hóa chất, sinh phẩm, linh kiện đi kèm theo máy móc, thiết bị y tế (như máy xét nghiệm, máy chụp chiếu…, còn gọi là “máy đóng”) không thể mua được của hãng sản xuất khác; mua sắm hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung để phòng chống dịch trong trường hợp cấp bách. Đồng thời, cho phép áp dụng hình thức LCNT trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất; cho phép mua thuốc, vắc xin thông qua các tổ chức quốc tế.

Đối với mua sắm tập trung, Dự thảo Luật cho phép đàm phán giá trực tiếp với nhà sản xuất; bổ sung thoả thuận khung mở, cho phép ký hợp đồng với nhiều nhà thầu, tạo cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng hóa, góp phần tăng tính cạnh tranh và bảo đảm khả năng cung cấp hàng hóa của nhà thầu.

Trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng tốt, hiện đại, công nghệ cao như TTBYT, hồ sơ mời thầu được phép đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể.

Để đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian LCNT trong mua sắm thường xuyên, Dự thảo Luật đã bỏ thủ tục phê duyệt quyết định mua sắm; không bắt buộc phải lập dự toán cho gói thầu; phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch LCNT.

Đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường (Đồng Nai):

Tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc và TTBYT là hết sức cần thiết, để chọn được mặt hàng có chất lượng tốt với giá hợp lý nhất và cung cấp đúng tiến độ. Tuy nhiên, đối với trường hợp một số chủng loại thuốc, TTBYT chỉ có một nhà sản xuất/cung ứng; trường hợp cấp bách như dịch bệnh…, Luật Đấu thầu nên cho phép chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp một số thuốc, TTBYT, nhưng phải có nguyên tắc áp dụng chặt chẽ để bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Danh mục hàng hóa này phải được Chính phủ chỉ đạo, giao cho Bộ Y tế ban hành cụ thể, trên cơ sở kết quả nghiên cứu thấu đáo của hội đồng khoa học.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Nam (Ninh Thuận):

Một số nội dung điều chỉnh, bổ sung trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này sẽ mở ra hàng lang pháp lý mới, nhiều nội dung được cụ thể hóa, rõ ràng hơn và khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc LCNT. Trong đó, Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục, khơi thông được các điểm nghẽn và tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, TTBYT. Cử tri cả nước kỳ vọng Luật Đấu thầu (sửa đổi) sớm được thông qua nhưng cũng đòi hỏi Luật phải bảo đảm tính chặt chẽ, chất lượng và khả thi. Ngoài Luật Đấu thầu, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện một số quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành liên quan, bao gồm hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, TTBYT, giúp các CSYT dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư