Đặt, mượn thiết bị y tế: Cần một cuộc cách mạng tư duy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Loại hình đặt, mượn thiết bị y tế được áp dụng tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu tới các nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines, Malaysia…, vì tính hiệu quả và hữu dụng của nó. Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện cũng đang sử dụng hình thức đặt, mượn thiết bị y tế, nhưng làm theo cách khác biệt, nếu không muốn nói là trái ngược với thông lệ. Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng tư duy để hiểu đúng, làm đúng, trong một khuôn khổ pháp lý minh bạch và hiệu quả.
Thay đổi tư duy về cách thức đấu thầu trong mô hình máy đặt, máy mượn sẽ là một cuộc cách mạng trong quản lý đấu thầu trang thiết bị y tế. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Thay đổi tư duy về cách thức đấu thầu trong mô hình máy đặt, máy mượn sẽ là một cuộc cách mạng trong quản lý đấu thầu trang thiết bị y tế. Ảnh minh họa: Lê Tiên

BÀI 2: LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN MÁY ĐẶT, MÁY MƯỢN

Sau khi một số vụ việc tiêu cực bị các cơ quan chức năng phát hiện, Bảo hiểm Xã hội ngừng thanh toán dịch vụ xét nghiệm theo cơ chế máy đặt, máy mượn thì chuỗi cung ứng này bị đứt gãy, tác động không nhỏ đến công tác điều trị, mà đối tượng chịu thiệt thòi nhất là người bệnh. Để tháo gỡ vướng mắc, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, đã đến lúc đưa máy đặt, máy mượn vào khuôn khổ pháp lý và trả lại đúng bản chất của cơ chế này.

Lợi thế của mô hình máy đặt, máy mượn

Mô hình đặt, mượn máy được áp dụng tại nhiều nước không hẳn là do họ thiếu nguồn lực tài chính để mua sắm thiết bị y tế, mà bởi vì mô hình này có những ưu điểm nhất định. Chẳng hạn, cơ sở y tế có thể thường xuyên thay đổi máy mới, hiện đại theo sự phát triển của khoa học công nghệ trong 3 - 5 năm, thay vì mua máy và sử dụng vài chục năm mới hết khấu hao; không lo việc bảo dưỡng, sửa chữa, hiệu chỉnh máy hay thay thế phụ tùng vì đã có nhà thầu đảm nhiệm, cũng không phải bận tâm về vật tư, hóa chất bổ sung; có thể đa dạng các loại hình xét nghiệm theo nhu cầu mà không bị giới hạn như với trường hợp mua máy. Vì thế, mô hình này ngày càng trở thành xu thế phổ biến, thay thế dần cho việc mua, sở hữu máy.

Thực tế cho thấy, thị trường máy đặt, máy mượn trên thế giới có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Trang Nghiên cứu thị trường Data Bridge ước tính, thị trường máy đặt máy mượn thế giới khoảng 2,7 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ tăng lên khoảng 6,1 tỷ USD vào năm 2029.

Rất tiếc là một mô hình minh bạch, công khai, công bằng như vậy trên thế giới lại được chuyển hóa chưa đúng nội hàm, bản chất của nó vào Việt Nam. Theo cách hiểu của Việt Nam, gói thầu mua hóa chất, đặt máy thì đương nhiên phải mua hóa chất theo số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hóa chất như cách hiểu và đang áp dụng, chứ không thể căn cứ vào thông số, quy cách máy không liên quan gì đến hóa chất và chào thầu dựa vào đầu ra là chi phí cho mỗi xét nghiệm. Như vậy, cái gọi là máy đặt, máy mượn của thế giới và của Việt Nam là hai khái niệm khác biệt, gần như không có liên kết gì ngoài tên gọi.

Đặt lợi ích người bệnh lên trên hết

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần thay đổi tư duy máy đặt, máy mượn để đưa mô hình này về đúng bản chất của nó. Không thể và không nên duy trì một cơ chế, phương thức quản lý có nhiều bất cập, một mảnh đất dễ nảy sinh xin - cho, lợi ích nhóm. Cái giá phải trả quá đắt của một số cán bộ ngành y tế thời gian qua là bài học quý giá để nhìn sâu vào những nguyên nhân từ lỗ hổng cơ chế dẫn đến kết cục này.

Tuy nhiên, việc từ bỏ cách làm, thói quen cũ không bao giờ là dễ dàng, ở đây đòi hỏi sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía các nhà thầu, hiệp hội sản xuất thiết bị và quan trọng là các bệnh viện khi có những lợi ích đan xen.

Đối với các bệnh viện, ngoài công tác chuyên môn khám chữa bệnh, luôn thường trực nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cho cán bộ, nhân viên. Do phần lớn nguồn thu của bệnh viện đến từ hoạt động khám chữa bệnh, nên cơ chế thanh toán của Bảo hiểm Xã hội là vấn đề được quan tâm. Hiện nay, mặc dù Bảo hiểm Xã hội có quy định về giá dịch vụ xét nghiệm, nhưng các bệnh viện lại e ngại rằng, nếu kết quả đấu thầu theo đầu ra chi phí từng xét nghiệm thấp hơn, mức thanh toán dịch vụ sẽ theo kết quả đấu thầu. Như vậy, nguồn thu của bệnh viện bị giảm sút, ảnh hưởng đến cân đối thu chi tài chính. Chưa kể, đấu thầu theo mô hình máy đặt, máy mượn như hiện nay, bệnh viện sử dụng tiết kiệm hóa chất so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì phần tiết kiệm này bệnh viện được hưởng.

Nếu có hướng tháo gỡ, giải tỏa lo lắng này theo hướng bệnh viện được hưởng phần chênh lệch giữa giá dịch vụ theo kết quả đấu thầu thấp hơn so với giá quy định thì chắc chắn các bệnh viện sẵn sàng đấu thầu theo đầu ra chi phí từng xét nghiệm.

Thay đổi tư duy về cách thức đấu thầu trong mô hình máy đặt, máy mượn sẽ là một cuộc cách mạng trong quản lý đấu thầu trang thiết bị y tế. Khó khăn, thách thức là không tránh khỏi nhưng có lẽ đã đến lúc cần chung tay hướng tới mục tiêu cao cả là sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, để mua sắm công đúng nghĩa phục vụ lợi ích công và để mô hình máy đặt, máy mượn thể hiện đúng bản chất của nó.

Đấu thầu trọn gói, dựa trên đầu ra sẽ hiệu quả hơn rất nhiều

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Cơ quan thẩm định của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng để đưa vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) những quy định rõ ràng, khắc phục được những bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn hiện nay. Dự thảo Luật xây dựng một chương riêng về mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Trong đó, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được định hướng là tiếp tục triển khai mô hình máy đặt, máy mượn. Nhưng đặt máy nào, sử dụng hóa chất ra sao, thì phải đấu thầu dựa trên một mặt bằng thông số kỹ thuật máy xét nghiệm, số lượng xét nghiệm, tiêu hao hóa chất… để thu hút nhiều hãng cùng chào thầu, như vậy mới có thể chọn được hãng cung cấp dịch vụ xét nghiệm hiệu quả nhất, vừa bảo đảm chất lượng dịch vụ, và có chi phí phù hợp nhất. Việc đấu thầu trọn gói dịch vụ xét nghiệm lấy kết quả đầu ra cuối cùng làm mục tiêu sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với đấu thầu hóa chất như hiện nay.

Lý lẽ đấu thầu hóa chất sẽ tiết kiệm được hóa chất, tạo nguồn thu cho bệnh viện là không thuyết phục. Cơ sở y tế nhận thù lao từ hoạt động khám chữa bệnh, còn chi phí thực hiện dịch vụ kỹ thuật từ máy móc, thiết bị chủ yếu là do người bệnh phải chi trả, Quỹ Bảo hiểm y tế chỉ hỗ trợ được một phần. Do đó, phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết, chứ không phải vì lợi ích của bệnh viện. Nếu đặt lợi ích của bệnh viện lên trên hết thì sẽ đi sai hướng và quay trở lại mô hình ngày xưa, như thế là ăn vào chi phí của người bệnh.

Quan trọng nhất vẫn là công khai, minh bạch, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế thực hiện nhiệm vụ, vừa tăng cường sự giám sát của các bên. Đấu thầu là một trong những biện pháp công khai, minh bạch. Chỉ có công khai, minh bạch mới giảm thiểu được tiêu cực, nhũng nhiễu.

Việc đặt máy như hiện nay không đảm bảo khách quan, dễ nảy sinh tiêu cực

Ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thiết bị y tế TP.HCM

Việc đặt máy, mượn máy tại các bệnh viện công đang có nhiều bất cập. Chẳng hạn như tỷ lệ ăn chia lợi nhuận, mỗi nơi một kiểu, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc định giá, mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các lãnh đạo bệnh viện và doanh nghiệp, từ đó nảy sinh lợi ích nhóm. Đó là chưa kể tỷ lệ chia trên giấy tờ và trên thực tế là hoàn toàn khác nhau, thường là 10 - 20% rơi vào một nhóm lợi ích khác. Việc đặt máy như hiện nay không bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực.

Do đó, cần quy định phương thức mua sắm dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… bằng hình thức đấu thầu đặt máy, trong đó bao gồm toàn bộ chi phí từ hóa chất, bảo hành, bảo trì, cung cấp máy... Việc đấu thầu trọn gói như vậy sẽ bảo đảm tính cạnh tranh công bằng, minh bạch và giúp bệnh viện chủ động hơn trong hoạt động khám, chữa bệnh. Bệnh viện đấu thầu được dịch vụ bãi gửi xe, căng tin…, cớ sao không đấu thầu được dịch vụ đặt máy?

BÀI 1: VIỆT NAM MỘT MÌNH MỘT KIỂU

Chuyên đề