Thổi luồng “sinh khí” mới vào môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023 được dự báo là một năm kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là với khu vực doanh nghiệp (DN) khi các hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã bị chùng xuống. Việt Nam thiếu vắng những cải cách đột phá trong khi việc cần làm là tạo luồng sinh khí mới cho phát triển năm 2023 cũng như dài hạn. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện cùng Báo Đấu thầu.
Cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm gánh nặng chi phí, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Tiên
Cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm gánh nặng chi phí, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Tiên

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta đã có sự phục hồi rõ nét. Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2022, những điểm nhấn nào là đáng nhớ, theo ông?

Năm 2022 là một năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi và phát triển của đất nước sau đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, khó lường.

TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ trong công tác điều hành, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng an toàn với dịch bệnh cũng như sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế và sự đồng lòng của nhân dân, cộng đồng DN, kinh tế nước ta có một năm tăng trưởng tích cực, vượt dự báo.

Tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam ước đạt 8,02%, đây cũng là kết quả vượt ra ngoài dự báo trước đó và vượt xa mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục lập kỷ lục; số lượng DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường tăng cao… Kết quả đạt được là rất đáng tự hào. Điều này cho thấy, Việt Nam đã bắt kịp và tích cực tham gia vào các xu thế lớn như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Nhưng dấu hiệu khó khăn, thách thức với nền kinh tế đang bộc lộ rõ, đe dọa “sức khỏe” của DN?

Quý IV/2022, tình hình kinh tế xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, chủ yếu là do các yếu tố tác động bất lợi từ bên ngoài.

Trước hết, đó là tác động từ kinh tế thế giới suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn hàng lớn ở châu Âu, châu Mỹ… khiến DN Việt Nam giảm xuất khẩu. Trung Quốc tiếp tục chính sách zero Covid nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước. Bên cạnh đó là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng nổ dẫn đến khủng hoảng năng lượng, đứt gãy cung ứng năng lượng, lương thực... Tất cả những yếu tố này làm giảm cầu nhập khẩu, tỷ giá tăng…, tác động mạnh đến DN trong nước.

Ở trong nước, chi phí đầu vào tăng mạnh, thiếu đơn hàng, tín dụng cho nền kinh tế bị thắt chặt khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN khó khăn hơn. Nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm chi phí, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc.

Khó khăn khách quan là một việc, nhưng nhiều ý kiến đánh giá hoạt động cải cách môi trường kinh doanh - “trợ lực” cho DN cũng có dấu hiệu chùng xuống. Ông nhìn nhận ra sao?

Đúng là qua quan sát, mức độ quan tâm đến cải cách môi trường kinh doanh của các bộ, ngành và địa phương chưa được như kỳ vọng của cộng đồng DN. Tốc độ cải cách, không khí cải cách chùng xuống kể từ cuối năm 2019 nhưng đến nay chưa được cải thiện. Các quy định có xu hướng thắt chặt hơn, gây khó khăn, gây phiền hà và với chi phí tuân thủ cao hơn. Thanh, kiểm tra DN có xu hướng tăng lên, giảm kiến tạo cho tự do kinh doanh.

Những năm trước chúng ta có những đề án độc lập đề ra những quyết định cải cách, nhưng nay thiếu chiều sâu của vấn đề nghiên cứu. Nhiều năm trước đi đâu các lãnh đạo cũng nói tới tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN, nhưng thời gian gần đây, hai từ “kiến tạo” rất ít được nhắc tới. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lãnh đạo quản lý đang có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cầm chừng.

Chúng ta đang thiếu vắng cải cách đột phá tạo luồng sinh khí mới trong môi trường kinh doanh. Thực tế này có thể làm xói mòn thành quả cải cách đã xây dựng được trong nhiều năm qua.

Năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, ông có lưu ý điều gì?

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%, một mục tiêu đầy thách thức. Nhiều yếu tố tạo nên thành tựu năm 2022 không tiếp tục xuất hiện ở năm 2023. Tình hình kinh tế bên ngoài khó khăn hơn, “sức khỏe” của DN cũng yếu hơn do thu hẹp sản xuất, thua lỗ, khó khăn tiếp cận vốn… Áp lực lạm phát năm 2023 cao hơn nhiều năm 2022. Dư địa cho chính sách tiền tệ, tài khóa không còn nhiều. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, muốn điều hành linh hoạt thì mục tiêu cũng phải linh hoạt. Mục tiêu cứng nhắc có thể xảy ra đứt gãy.

Theo tôi, năm 2023, Việt Nam cần giữ vững mục tiêu kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô. Với lạm phát, tình hình lạm phát trên thế giới thời gian qua tăng đột biến và sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2023. Nếu vẫn giữ nguyên mục tiêu kiểm soát lạm phát (là 4,5%) thì phải thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, sẽ khó cho DN trong tiếp cận vốn để duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì thế, linh hoạt trong mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng là giải pháp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 này.

Chính phủ cần chú trọng thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho DN, ví dụ như miễn, giảm thuế với diện rộng hơn, mức độ lớn hơn so với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hoặc kéo dài Chương trình đến năm 2025 để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Ngoài ra, phải khơi thông những “nút thắt” đầu tư công với việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án; tháo gỡ chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật; gia tăng năng lực nhà thầu…

Ông có khuyến nghị gì về việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023?

Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng GDP tốt trong nhiều năm, nhưng muốn tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, không còn cách nào khác là phải tập trung cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Môi trường kinh doanh cần cải cách mạnh hơn. Hiện nay, thị trường bất động sản “đóng băng”, DN đọng vốn lớn do vướng mắc thủ tục pháp lý. Vì thế, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý cho các dự án lớn, đặc biệt là dự án của khu vực tư nhân để khơi thông thị trường này.

Trong điều hành, cơ quan quản lý cần đặt việc cắt giảm chi phí, rào cản cho DN lên hàng đầu. Những điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính nào bất hợp lý, không cần thiết phải bị loại bỏ. Đồng thời, thực hiện ngay những giải pháp hóa giải nỗi sợ không dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN.

Tôi tin rằng, tập trung cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thách thức, là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo.

Chuyên đề