Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cẩn trọng với DN thiếu minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã và đang góp phần giảm áp lực cho kênh tín dụng, nhưng cũng ẩn giấu nhiều hệ lụy cho các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có nhà đầu tư cá nhân mua TPDN theo “phong trào”. Điều đó đặt ra bài toán về hoàn thiện chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) huy động vốn, đồng thời tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro thị trường.
Sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua tiềm ẩn rủi ro với các chủ thể tham gia thị trường. Ảnh: Song Lê
Sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua tiềm ẩn rủi ro với các chủ thể tham gia thị trường. Ảnh: Song Lê

Dẫn số liệu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV giai đoạn từ năm 2017 đến hết tháng 6/2021, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, vai trò kênh dẫn vốn của ngân hàng giảm dần. Cụ thể, năm 2017, vốn tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 58,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thì 6 tháng đầu năm nay giảm còn 48%. Trong khi đó, kênh huy động từ chứng khoán (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, không bao gồm trái phiếu chính phủ) tăng rất tốt, từ tỷ trọng 10,4% năm 2017 lên 18,5% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Về quy mô thị trường, số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 6/2021, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam khoảng 44,6% GDP, trong đó TPDN đạt khoảng 13,9% GDP. Quy mô TPDN phát hành 6 tháng đầu năm 2021 đạt 208,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhấn mạnh vai trò của thị trường trái phiếu trong việc dẫn vốn cho DN thời gian tới, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho biết, hệ thống ngân hàng đang đi đến giới hạn về quy mô dư nợ tín dụng đạt 1,5 lần GDP. Đây là mức cao so với thế giới, ngang với các nước phát triển và chỉ kém Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta không thể so với Trung Quốc vì họ có tỷ lệ tiết kiệm lớn tương đương 40 - 50% GDP, còn tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam hiện khoảng 30% GDP. Giới hạn nữa là về cơ cấu vốn ngắn hạn, càng dùng vốn ngắn hạn nhiều thì rủi ro càng lớn.

Với vai trò quan trọng của thị trường trái phiếu, nhiều chính sách đã ra đời nhằm giúp thị trường phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của thị trường thời gian qua cũng như quá trình vận hành của thị trường hiện nay vẫn tồn tại một số bất cập, tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings cho biết, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước nắm được. Còn nửa triệu nhà đầu tư trái phiếu đầu tư vào hàng nghìn DN phát hành, trong đó ít công ty dự án, DN có thương hiệu, hồ sơ tốt. DN không niêm yết thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán không biết, nhà đầu tư rất thiếu thông tin. Vì vậy, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào lãi suất cao để đưa ra quyết định đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trái chủ chưa thể nắm được thông tin về việc DN đang sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu ra sao, cũng như chưa nắm bắt được thông tin tài chính của DN. Bên cạnh đó, việc sử dụng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm cũng gây ra rủi ro. Bởi nếu khả năng thanh toán trái phiếu của DN phát hành kém thì giá cổ phiếu của họ cũng đứng trước rủi ro giảm giá.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhấn mạnh, để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu nói riêng hay thị trường vốn nói chung, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của tất cả các cấu phần, các thành phần tham gia vào sự vận hành của thị trường. Đồng thời, dù ở góc độ nào, cơ quan quản lý nhà nước, DN, nhà đầu tư đều phải đặt ra bài toán cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. Điều quan trọng là, khung pháp lý phải bảo đảm các thông tin trong quá trình vận hành của các bên đều chính xác, minh bạch. DN nào công bố thông tin sai, thiếu minh bạch thì hệ thống pháp lý phải có khả năng giám sát, kiểm tra, thực thi pháp luật một cách đúng đắn. Đồng thời, những hành vi cố tình bóp méo thông tin trên thị trường để lừa đảo, dẫn dắt các nhà đầu tư đi sai hướng với bản chất của thông tin và bản chất của giao dịch là vi phạm pháp luật, cần có cơ chế để phát hiện kịp thời và phải xử lý một cách nghiêm khắc.

Chuyên đề