Thị trường đất nền TP.HCM và các tỉnh giáp “án binh bất động”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ tháng 7/2021 đến nay, thị trường đất nền TP.HCM và các tỉnh giáp ranh rơi vào tỉnh cảnh “án binh bất động”. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đang “ngộp” do khả năng thu xếp tài chính để đóng theo tiến độ bị đuối sức.
Trong tháng 7 vừa qua, ở TP.HCM và vùng phụ cận, phân khúc đất nền không ghi nhận nguồn cung mới được mở bán. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Trong tháng 7 vừa qua, ở TP.HCM và vùng phụ cận, phân khúc đất nền không ghi nhận nguồn cung mới được mở bán. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Bản tin thị trường bất động sản của DKRA Vietnam công bố mới đây cho biết, trong tháng 7 vừa qua, ở TP.HCM và vùng phụ cận, phân khúc đất nền không ghi nhận nguồn cung mới được mở bán.

Đây được xem là lần đầu tiên thị trường này thiếu vắng nguồn cung mới, bởi lâu nay điều đó chưa hề xảy ra ở một khu vực được đánh giá có mức độ giao dịch bất động sản sôi động nhất cả nước.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho hay, nếu như trong tháng 4/2021, ở TP.HCM và vùng phụ cận có 1.426 sản phẩm đất nền tung ra thị trường, với 1.106 sản phẩm được tiêu thụ, thì đến tháng 6 vừa qua số nguồn cung chỉ là 464 nền và sản phẩm tiêu thụ vỏn vẹn 90 nền; bước qua tháng 7 thì hoàn toàn về “mo” - tức là bằng 0.

Nguồn cung không có và sức cức cầu chung toàn thị trường giảm mạnh khiến cho bức tranh tổng thể của phân khúc này càng thêm ảm đạm.

Nguyên nhân thì đã rõ, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của nền kinh tế, trong đó lĩnh vực bất động sản cũng không là ngoại lệ.

Một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay, họ chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán để thu hồi dòng vốn. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay, họ chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán để thu hồi dòng vốn. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Thông thường khi “mưa thuận gió hòa”, tính thanh khoản của thị trường bất động sản thứ cấp luôn sôi động và ổn định. Tuy nhiên, đến “mùa Covid -19 thứ tư” này, thị trường đã giảm mạnh so với giai đoạn trước khi dịch bùng phát.

“Mỗi ngày, nhìn những con số thống kê về tình hình dịch bệnh, tôi không còn tâm trí nào để nghĩ đến chuyện đầu tư vào lúc này. Tôi đồ rằng, không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng có chung suy nghĩ đó”, một khách hàng chia sẻ và cho biết, đầu năm 2021, anh có mua hai lô đất nền thanh toán theo tiến độ trong một dự án ở khu vực sân bay Long Thành, nhưng đến nay không còn khả năng thanh toán, do dịch bệnh Covid-19 làm thu nhập của anh bị đảo lộn.

Tổng giám đốc của một công ty bất động sản cho biết, dù đã chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng cách giãn tiến độ thanh toán, nhưng nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát, thì không những khách hàng rơi vào bế tắc, mà chủ đầu tư cũng bị điêu đứng, do dòng tiền không xoay vòng được.

“Vào cuối tháng 7 vừa qua, thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay, họ chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi dòng vốn”, DKRA nhấn mạnh.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, từ quý II/2021 đến nay, thị trường đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10 - 20% so với thời kỳ "sốt nóng", song số lượng giao dịch thành công vẫn rất thấp.

Xu hướng bán lỗ đất nền được dự báo có thể tăng mạnh trong các tháng tới đây nếu tình hình dịch bệnh không sớm được khống chế và đẩy lùi.

Một chuyên gia bất động sản cho rằng, khối lượng giao dịch thứ cấp sụt giảm 90 - 95%. Trên các trang tin chuyên về mua bán bất động sản, lượng người đăng tin chào bán đất nền rất nhiều. Nhưng, trong bối cảnh “ai đâu ở yên đó”, người mua lấy đâu ra mà giao dịch.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung và phân khúc đất nền nói riêng tại TP.HCM và các vùng lân cận phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc khống chế dịch bệnh. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nguồn cung và sức cầu của phân khúc này có thể dần hồi phục.

Chuyên đề