Thị trường chứng khoán Hàn Quốc mất điểm mạnh nhất sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: TTXVN |
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á mất điểm trong phiên giao dịch ngày 28/2, dẫn đầu là thị trường Hàn Quốc, khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc sớm hơn dự kiến mà không đạt thỏa thuận.
Chốt phiên, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,76%, xuống 2.195,44 điểm, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,79%, xuống 21.385,16 điểm và chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,44%, xuống 2.940,95 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong phiên chiều giảm 0,3%, xuống 28.677,39 điểm.
Các thị trường biến động trong phiên này khi sự lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung giảm đi, số liệu về hoạt động chế tạo của Trung Quốc yếu và căng thẳng địa chính trị nổi lên ở Kashmir. Tuy nhiên, các thị trường đi xuống rõ rệt sau khi bữa ăn trưa và lễ ký thỏa thuận như dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã bị hủy vào phút chót, trong khi cuộc họp báo riêng được ông Trump đẩy lên sớm hai tiếng, gây nghi ngờ về tiến triển đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
Thông tin trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un "hoan nghênh" nếu Mỹ mở văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng và ông Trump nói không vội vàng trong việc đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các cách thức nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và phát triển kinh tế, nhưng dù không thỏa thuận nào đạt được, các nhóm làm việc của hai bên sẽ tiếp tục có các cuộc gặp trong thời gian tới.
Trong khi đó, đà phục hồi của các thị trường toàn cầu chững lại sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong phát biểu trước Quốc hội nói rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã có tiến triển thực sự, nhưng còn nhiều việc vẫn cần giải quyết trước khi một thỏa thuận được ký kết.
Những yếu tố khác cũng gây sức ép bán ra là các số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Hai, khi các nhà máy bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết âm lịch, những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế và việc chưa rõ bất đồng thương mại sẽ được giải quyết ra sao.