Thế trận lòng dân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mùa thu cách nay 76 năm, sức mạnh của lòng dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng là nền tảng làm nên chiến thắng vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập. Trong cuộc chiến chống dịch đầy cam go hôm nay, thế trận lòng dân cũng đang phát huy vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn, củng cố niềm tin vào thắng lợi trong thực hiện “mục tiêu kép”.
Sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường. Ảnh: Huấn Anh
Sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường. Ảnh: Huấn Anh

Khi lòng dân quy tụ

Những ngày tháng Tám của năm 2021, dịch Covid-19 đang bùng phát tại các tỉnh, thành miền Nam, hàng loạt những chuyến chi viện sức người sức của từ mọi miền đất nước hướng về các địa phương tâm dịch trong cuộc chiến không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go, gian khó.

Cùng với các chiến sĩ áo trắng, ngay trong đêm 21/8/2021, 250 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ lên đường vào Bình Dương đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống dịch Covid-19. Hơn 300 cán bộ chiến sỹ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Tây Nguyên được điều động đến TP.HCM, tăng cường cho nhiệm vụ kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch Covid-19…

Trước đó, khi dịch chưa bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành phía Nam, các y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, của các tỉnh, thành phía Nam đã lên đường hỗ trợ Hải Dương và các địa phương khác. Đợt dịch tạm lắng, Hải Dương lại chi viện cho điểm nóng Bắc Giang, và đến nay là TP.HCM... Cứ như vậy, trong suốt hơn một năm rưỡi qua, nơi đâu là điểm nóng dịch bệnh, nơi ấy cả nước lại hướng về.

Ở tuyến sau, nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ của mọi tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền đất nước với người dân vùng dịch, lực lượng tuyến đầu chống dịch, từ những cây ATM gạo, những suất ăn miễn phí, túi an sinh xã hội cho hộ gia đình với gạo, mì gói, thực phẩm, túi thuốc yêu thương cho F0 tại nhà...

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, trong bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế - xã hội nửa đầu năm 2021, có những gam trầm, có những khó khăn, thách thức, nhưng chủ đạo vẫn là gam màu tích cực, của niềm tin và hy vọng, của sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị hướng tới mục tiêu đưa đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới. Bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị. Sự sẻ chia, chi viện kịp thời giữa các địa phương đã giúp cho những địa phương có dịch vơi đi nhiều khó khăn, phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

ATM gạo là sáng kiến của người Việt Nam góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết đưa đất nước vượt qua cuộc chiến chống Covid-19
ATM gạo là sáng kiến của người Việt Nam góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết đưa đất nước vượt qua cuộc chiến chống Covid-19

Niềm tin chiến thắng

Ngay từ thời gian đầu chống dịch, tháng 3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động… Mỗi người dân Việt Nam đang là một chiến sĩ; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn”. Trong Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch… Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

“Chiến thắng hay không phụ thuộc vào lòng dân, sự tham gia của người dân có tính chất quyết định”, Thủ tướng khẳng định, và nêu rõ trong lúc này, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”. Lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc đã chứng minh thế trận lòng dân vững chắc sẽ tạo thành sức mạnh nội sinh to lớn, nền tảng chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, vượt qua mọi khó khăn. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là minh chứng cho sức mạnh từ việc quy tụ, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ lãnh đạo thống nhất của Đảng.

Tinh thần đoàn kết, sức mạnh toàn dân dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giúp chúng ta chiến thắng những trận đầu trong cuộc chiến chống dịch, đạt “mục tiêu kép” trong năm 2020; đẩy lùi dịch bệnh tại Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang... Trong cuộc chiến còn nhiều gian khó với dịch bệnh phía trước, bên cạnh rất nhiều giải pháp cần thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến giải pháp đầu tiên là cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những hành động thiết thực của người dân, doanh nghiệp trong chung tay đồng lòng cùng Chính phủ sớm ổn định đời sống nhân dân, người lao động, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, người dân đối với đồng bào, đất nước, đã khơi dậy và khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, tình thương và lòng nhân ái trong mỗi con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc sẽ giúp đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn do đại dịch gây ra.

Đồng thời với huy động sự tham gia của toàn dân, trong Công điện ngày 22/8/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi. Đây là một chiến lược mới nhằm giúp người dân có được sự chăm sóc y tế sớm với mục tiêu: tính mạng và sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết. Tổ chức kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, cứu trợ đột xuất… bảo đảm “không để dân thiếu ăn, thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn”. Chính phủ đã và sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, sẵn sàng phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có điều kiện, cơ hội.

Chuyên đề