Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:AP |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/3 tung ra một loạt lời công kích bất thường nhắm vào các nghị sĩ bảo thủ đảng Cộng hòa, những người bị ông cáo buộc là đã khiến dự luật chăm sóc y tế Trumpcare của ông chết yểu tại Hạ viện, theo The Hill.
Trong loạt trạng thái trên Twitter, ông Trump nêu đích danh tên nghị sĩ Mark Meadows, chủ tịch nhóm bảo thủ cứng rắn Freedom Caucus của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, cùng hai thành viên nổi bật khác trong nhóm, với mục đích sỉ nhục những người này vì đã khiến ông thất bại ê chề trong nỗ lực bãi bỏ Obamacare, đồng thời đe dọa sẽ trừng phạt những nghị sĩ bảo thủ dám chống lại các lãnh đạo đảng Cộng hòa.
Freedom Caucus chính là một trong những nhóm nghị sĩ có tiếng nói quyết định khiến đảng Cộng hòa phải rút Trumpcare ngay trước khi trình lên Hạ viện bỏ phiếu hồi tuần trước. Trước đó, nhóm này đã rất tích cực ủng hộ Trump nhằm bãi bỏ Obamacare, thậm chí đã dành nhiều tuần thảo luận với Tổng thống và Nhà Trắng để soạn thảo Trumpcare.
Tuy nhiên, Freedom Caucus rốt cuộc không hài lòng với dự thảo Trumpcare cuối cùng, bởi họ muốn nó phải có các điều khoản bảo thủ hơn nữa. Nhóm này muốn Trumpcare phải có hiệu lực càng nhanh càng tốt, không cần phải đợi đến năm 2024, đồng thời muốn cắt bỏ các lĩnh vực y tế bắt buộc phải có bảo hiểm như khám thai, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, điều trị nghiện rượu, nghiện ma túy… vốn được quy định trong Obamacare. Khi các đòi hỏi này không được đáp ứng, Freedom Caucus tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại Trumpcare.
Đảng Cộng hòa chỉ hơn đảng Dân chủ khoảng 20 phiếu tại Hạ viện, trong khi nhóm Freedom Caucus có hơn 60 thành viên, thế nên các lãnh đạo đảng Cộng hòa hiểu rõ rằng khi không có được sự ủng hộ của Freedom Caucus, Trumpcare sẽ không bao giờ được thông qua tại cơ quan lập pháp này.
Freedom Caucus là một nhóm nghị sĩ gần như bí mật tại Hạ viện Mỹ, bởi họ không bao giờ công khai danh tính khoảng 66 thành viên toàn là nam giới của mình. Nhóm này được thành lập vào năm 2015, khi một số nghị sĩ bảo thủ cho rằng Ủy ban Nghiên cứu đảng Cộng hòa thuộc Hạ viện đã trở nên quá lớn và không đủ mức bảo thủ. Họ quyết định tách ra và thành lập Freedom Caucus, theo USAToday.
DeSantis, một trong những thành viên sáng lập của Freedom Caucus, mô tả tôn chỉ của nhóm là tìm cách "cất lên tiếng nói cho những người giận dữ với việc Washington D.C. không đại diện cho giá trị của mình". Đây cũng chính là lý do nhiều thành viên trong nhóm ủng hộ Trump hết mình trong giai đoạn tranh cử và thời gian đầu của nhiệm kỳ, bởi họ cảm thấy Trump có cùng nguồn gốc "kẻ ngoài cuộc chính trị" như mình.
Một số nghị sĩ thuộc Freedom Caucus tại Hạ viện Mỹ. Ảnh:The Hill
Meadows, chủ tịch Freedom Caucus, cũng là một trong những người ủng hộ nhiệt thành Trump ngay từ đầu chiến dịch tranh cử và cả hai cũng thường xuyên đàm luận, trao đổi với nhau. Tuy nhiên, các nguồn tin nội bộ Nhà Trắng cho biết trong những cuộc thương thảo về Trumpcare tại Nhà Trắng, Trump dường như không hiểu rõ tác động của việc bãi bỏ Obamacare tới lá phiếu cử tri, mà chỉ muốn dự luật của mình được thông qua càng sớm càng tốt.
Meadows và các thành viên chủ chốt của Freedom Caucus đã cố gắng làm cho Trump hiểu rằng Trumpcare có thể ảnh hưởng trực tiếp tới lá phiếu cử tri bầu cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018. Tuy nhiên nỗ lực của họ đã thất bại, trong khi Trump, người luôn tự xưng là "bậc thầy chốt hợp đồng", cũng không thành công trong việc vận động các thành viên Freedom Caucus bỏ phiếu cho dự luật của mình.
Cuộc chiến ngầm
Sau khi Trumpcare chết yểu, Trump ban đầu không đổ lỗi cho Freedom Caucus, nói rằng ông "không bị phản bội" và các nghị sĩ bảo thủ vẫn là "bạn bè của tôi". Trump chỉ nói rằng ông thất vọng vì dự luật không được đưa ra bỏ phiếu, tuyên bố đây là "quãng thời gian khó khăn" đối với các thành viên Freedom Caucus.
Thế nhưng chỉ hai hôm sau, Trump thay đổi quan điểm, bắt đầu lên tiếng chỉ trích Freedom Caucus. Ông tuyên bố trên Twitter rằng nhóm nghị sĩ bảo thủ này đã "chuốc lấy thất bại từ chiến thắng". "Freedom Caucus sẽ gây tổn hại đến toàn bộ chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa nếu họ không chịu hòa mình vào tập thể. Chúng ta phải chống lại họ và cả đảng Dân chủ vào năm 2018", Trump tuyên bố.
Các thành viên Freedom Caucus ngay lập tức phản pháo, thể hiện sự giận dữ vì Tổng thống lại gây sự với họ đúng vào thời điểm đảng Cộng hòa đang nỗ lực để vượt qua thất bại đầy cay đắng hồi tuần trước.
"Hầu hết mọi người đều không thoải mái gì với việc bị bắt nạt", nghị sĩ Justin Amash, thành viên Freedom Caucus, tuyên bố. "Cách này có thể giúp một đứa trẻ lớp 5 đạt được mục đích của mình, nhưng đó không phải là phương thức hoạt động của chính phủ Mỹ".
Các thành viên Freedom Caucus cũng khẳng định rằng họ thực ra đã giúp Trump khi nhấn chìm Trumpcare tại Hạ viện, bởi các cuộc thăm dò cho thấy dự luật này chỉ nhận được sự ủng hộ của 17% dư luận và nó thậm chí còn không nhận được sự hậu thuẫn của nhiều thành viên ôn hòa trong đảng Cộng hòa.
"Donald Trump, Freedom Caucus đã sát cánh với ông khi những người khác tháo chạy. Hãy nhớ bạn bè thực sự của ông là ai. Chúng tôi chỉ đang cố giúp ông thành công", nghị sĩ Raul Labrador, thành viên Freedom Caucus bị Trump "điểm mặt chỉ tên", nhấn mạnh.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa phản pháo Trump trên Twitter. Ảnh:Twitter
Theo các chuyên gia phân tích, việc Tổng thống Trump trút nỗi giận dữ vì thất bại của Trumpcare vào các thành viên Freedom Caucus sẽ chỉ càng làm xấu đi mối quan hệ giữa Nhà Trắng và các nghị sĩ bảo thủ tại Hạ viện, nơi đầu tiên thông qua các dự luật do Trump đề xuất, trong đó có những vấn đề quan trọng như kế hoạch cải cách thuế hay kinh phí để xây dựng tường biên giới với Mexico.
Một khi Trump gây chiến với Freedom Caucus, đảng Cộng hòa có nguy cơ đánh mất lợi thế đa số tại Hạ viện, khiến nỗ lực của các lãnh đạo đảng này nhằm phê chuẩn đạo luật ngân sách liên bang để giúp chính phủ không bị đóng cửa trước hạn chót 29/4 càng trở nên khó khăn gấp bội.
Theo bình luận viên Robert Schlesinger của USNews, Trump nên nhớ bài học lịch sử rằng chính Freedom Caucus là động lực khiến chủ tịch Hạ viện John Boehner phải từ chức vào năm 2015. Cho rằng Boehner đã thỏa hiệp với Tổng thống Obama, Freedom Caucus đã phản ứng quyết liệt với ông và đe dọa sử dụng việc chính phủ Mỹ bị đóng cửa như một công cụ đàm phán. Boehner sau đó đã chịu khuất phục và buộc phải tuyên bố từ chức trước sự cứng rắn của Freedom Caucus.
"Nếu Trump vẫn muốn tuyên chiến với cả phe cánh hữu và cánh tả trong Hạ viện, thật khó để tưởng tượng các dự luật của ông sẽ được thông qua như thế nào tại Quốc hội. Viễn cảnh chính phủ Mỹ bị đóng cửa trong 100 ngày đầu nhậm chức của Trump là hoàn toàn có thể xảy ra", Schlesinger nhấn mạnh.