Tỉnh Gia Lai, qua đấu thầu giảm được 10,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 0,86%. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo báo cáo công tác đấu thầu năm 2019 của UBND tỉnh Gia Lai, trong năm qua, tổng giá các gói thầu mà Tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà thầu là 1.228 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 1.218 tỷ đồng. Qua đấu thầu giảm được 10,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 0,86%. Một tỉnh Tây Nguyên khác là Kon Tum qua đấu thầu hơn 2 nghìn gói thầu cũng chỉ tiết kiệm được 0,87%.
Ngược ra phía Bắc, tỉnh Hòa Bình qua đấu thầu 2.693 gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước với tổng giá 3.424 tỷ đồng, giảm giá được 37,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 1,09%.
Hà Tĩnh, Quảng Ngãi qua đấu thầu các gói thầu sử dụng vốn nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển chỉ đạt tỷ lệ tiết kiệm lần lượt là 1,74% và 1,13%.
Trong khi đó, với nguồn vốn này, nhiều tỉnh đạt tỷ lệ tiết kiệm trên dưới 3%, và cũng không ít địa phương đạt tỷ lệ trên 5%, thậm chí có nơi đạt 9 - 10%. Nếu tổng hợp chung cả các gói thầu sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên, vốn ODA, thì tỷ lệ tiết kiệm chung qua đấu thầu của các địa phương đạt cao hơn.
Nhìn vào số liệu thống kê của các tỉnh có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu thấp, có thể thấy các gói thầu xây lắp có giá trị giảm giá thấp nhất. Theo hình thức lựa chọn nhà thầu thì mua sắm trực tiếp, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu đưa đến giá trị tiết kiệm gần như không đáng kể. Ví dụ, ở Quảng Ngãi, mức tiết kiệm chung của các gói thầu sử dụng vốn nhà nước là 1,13%, thì các gói thầu xây lắp chỉ là 0,82%; theo hình thức lựa chọn thì đấu thầu hạn chế là 0,04%, mua sắm trực tiếp là 0,16% và chỉ định thầu là 0,22%.
Thừa nhận tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu còn thấp, tỉnh Gia Lai nêu ra nguyên nhân là số lượng nhà thầu tham gia ít, số lượng nhà thầu đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm chưa nhiều, làm cho tính cạnh tranh trong đấu thầu chưa cao. Ngoài ra, công tác đấu thầu vẫn còn một số hạn chế khác.
UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, tỷ lệ giảm giá thấp là do các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thường có giá trị thấp, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu là chủ yếu. Ngoài ra, số lượng các nhà thầu tham dự thầu ít, số lượng nhà thầu đáp ứng về năng lực và kinh nghiệm chưa nhiều. Trong khi đó, việc áp dụng đấu thầu qua mạng đã được cải thiện và đạt nhiều hiệu quả, tuy nhiên việc tiếp cận thông tin về đấu thầu của các nhà thầu còn hạn chế, một số gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Thực tế, qua thống kê kết quả lựa chọn nhà thầu nhiều gói thầu xây lắp trong năm qua của Báo Đấu thầu, số lượng gói thầu có giá trúng thầu sát giá gói thầu rất nhiều. Và trong những gói thầu này, nhà thầu trúng thầu thường là các nhà thầu “quen” với chủ đầu tư/bên mời thầu, với tần suất trúng thầu rất lớn. Ngược lại, một số gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng có sự tham dự của nhiều nhà thầu, mức độ cạnh tranh rất cao, giảm giá có thể lên tới gần 20%.
Một chuyên gia về đấu thầu nhận định, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, hiệu quả của công tác đấu thầu ở địa phương như điều kiện địa lý nơi thực hiện gói thầu không thuận lợi, không thu hút được nhiều nhà thầu; ở cấp địa phương tỷ lệ gói thầu quy mô nhỏ thuộc hạn mức chỉ định thầu lớn, nên chủ yếu áp dụng chỉ định thầu, dẫn đến giảm giá thấp… Tuy nhiên, với những gói thầu đấu thầu rộng rãi thông thường mà tỷ lệ tiết kiệm chỉ dưới 1% thì trong nhiều trường hợp là rất đáng lưu ý.