Tháo chạy, 84 mã giảm sàn, VN-Index bốc hơi gần 2%

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bất ngờ rơi vào vòng xoáy bán tháo mạnh mẽ trong chiều nay. Không có thông tin xấu bất ngờ nào, thậm chí chứng khoán thế giới cũng đang tăng tốt. Chỉ đơn giản là lực bán tăng đột biến đẩy hàng trăm cổ phiếu quay đầu giảm giá và giảm rất sâu, bất kể blue-chips hay penny...
VN30 đột ngột suy yếu trong phiên chiều dù buổi sáng vẫn cầm cự khá tốt.
VN30 đột ngột suy yếu trong phiên chiều dù buổi sáng vẫn cầm cự khá tốt.

Thị trường bất ngờ rơi vào vòng xoáy bán tháo mạnh mẽ trong chiều nay. Không có thông tin xấu bất ngờ nào, thậm chí chứng khoán thế giới cũng đang tăng tốt. Chỉ đơn giản là lực bán tăng đột biến đẩy hàng trăm cổ phiếu quay đầu giảm giá và giảm rất sâu, bất kể blue-chips hay penny.

Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm mạnh là điều bình thường, từ sáng nhóm này đã bị bán tháo khá nhiều. Tuy nhiên lực bán bất ngờ lan sang cả các blue-chips, khiến VN30-Index từ chỗ mới giảm 0,02% cuối phiên sáng thành giảm 1,42% lúc đóng cửa.

VN30 chỉ còn sót lại duy nhất 2 mã tăng là PLX tăng 0,2% và VJC tăng 3,2% trong khi cuối phiên sáng vẫn có 13 mã. VJC vẫn giữ độ cao tốt, nhưng PLX thực ra lao dốc khá nặng vì cuối phiên sáng tăng 1,2%. Các cổ phiếu còn lại thì giảm quá rõ.

24 cổ phiếu trong rổ VN30 đóng cửa dưới tham chiếu, trong đó 17 mã giảm trên 1% (tăng thêm 12 mã so với cuối phiên sáng). Các trụ giảm cực sâu: VNM giảm 2,09%, GAS giảm 1,1%, CTG giảm 2,2%, GVR giảm 3,78%, MSN giảm 5,2%, MWG giảm 3,45%, TCB giảm 2,17%, VCB giảm 1,51%, VHM giảm 1,76%, VIC giảm 1,03%.

Thanh khoản của rổ VN30 phiên chiều không quá lớn, chỉ khớp gần 3.855 tỷ đồng, nhỉnh hơn phiên sáng một chút nhưng giá biến động rất xấu. Điều đó cho thấy lực bán có tăng, nhưng không đến mức đột biến mà giá giảm là do lực mua quá kém.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là những mã biến động xấu nhất chiều nay. Chỉ qua giờ trưa, hàng loạt cổ phiếu nhóm này đã sụt giảm 1% đến trên 2%. Ví dụ ACB lúc đóng cửa so với cuối phiên sáng đã giảm 2,02%, TCB giảm 2,17%, TPB giảm 1,96%, VCB giảm 1,3%... Đối với các blue-chips, biến động trên 1% đã là rất mạnh. Trong toàn bộ 27 mã ngân hàng trên 3 sàn, không có mã nào tăng, duy nhất VPB và HDB tham chiếu, còn lại đều giảm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng sụt giảm hàng loạt. Số rất ít mã tăng như PHS, CSI, VIG, AAS, tất cả còn lại cũng giảm với WSS, PSI, HBS, FTS, APG giảm sàn. Có 29 cổ phiếu ngành chứng khoán trên cả 3 sàn giảm hơn 4% lúc đón cửa.

Độ rộng toàn thị trường cũng co hẹp lại chóng mặt. HoSE kết phiên với 48 mã tăng và 376 mã giảm, trong đó 48 mã giảm sàn. HNX đóng góp thêm 36 mã giảm sàn, nâng tổng số giảm hết biên độ lên 84 mã. Tính chung hai sàn, cũng có tới trên 320 mã sụt giảm quá 3% phiên này.

Không có gì bất ngờ, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ “đi” nặng nhất khi chỉ số VNSmallcap đóng cửa bốc hơi 3,56% giá trị. Đây là mức giảm sâu nhất trong ngày, kể từ phiên bốc hơi 4,35% hôm 12/7/2021.

Rổ này có 30 mã giảm sàn, trong khi thời điểm chốt phiên sáng mới có 7 mã. Như vậy diễn biến tăng cường độ rất nhanh từ xấu thành cực xấu. Hầu hết các mã tăng nóng đều quay đầu và rơi vào trạng thái mất thanh khoản. Tuy vậy không phải là tất cả, VMD, ASP, DRH ngược dòng kịch trần. VMD quay đầu sau khi vừa rơi 43,8% kể từ đỉnh đầu tháng 9. ASP vừa bị xả hai phiên trước, hôm nay nảy lên mạnh. DRH vẫn “giữ trend”, giá thậm chí còn lên đỉnh 3 năm.

Nhóm Midcap hôm nay cũng sụt giảm 3,37% nhưng mới có 5 mã giảm sàn là DIG, ASM, SCR, FIT và SAM. Tuy nhiên độ rộng của rổ này thật sự tệ với duy nhất 2 cổ phiếu tăng là DGC tăng 0,14% và IMP tăng 0,83%, còn lại toàn giảm. Có tới 60/70 mã của rổ giảm trên 1%, trong đó 50 mã giảm trên 2%.

Thanh khoản hai sàn niêm yết phiên chiều nay chỉ cao hơn phiên sáng 11,6%. Tổng giá trị khớp cả ngày đạt gần 22.288 tỷ đồng, tăng 15,7% so với phiên trước. Đây cũng không phải là mức thanh khoản đột biến. Giao dịch của rổ VN30 tăng 17,5%, đạt 7.538 tỷ đồng, cũng chỉ tương đương với mức bình quân tuần trước.

Nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng không lớn trong áp lực bán hôm nay. Tổng giá trị bán của khối này trên HoSE khoảng 1.647,8 tỷ đồng, chiếm 7,6% giá trị sàn. Phía mua đạt 1.393,8 tỷ đồng, tương ứng mức ròng -254 tỷ. Như vậy nhà đầu tư trong nước là đối tượng tháo chạy chính.

Chuyên đề