Tham vấn ý kiến hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(BĐT) - Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế của cả nước; đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là một trong những động lực chính để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước. Quy hoạch Thủ đô hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển.
Hội thảo Tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Hội thảo Tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đó là nhận xét của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội thảo Tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Theo thông tin tại Hội thảo, Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển. Song những năm gần đây, vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP, tỷ trọng GRDP của Hà Nội cao hơn cả nước nhưng có xu hướng thấp dần so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2023, tăng trưởng của Thủ đô đạt 6,27%, xếp sau Quảng Ninh (11,03%), Hải Phòng (10,34%), Hưng Yên (10,05%), Nam Định (10,19%), Hà Nam (9,41%), Hải Dương (8,16%), Thái Bình (7,37%), Ninh Bình (7,27%).

Để Hà Nội phát triển thực sự xứng đáng với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, “trái tim của cả nước”, động lực thúc đẩy phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở góp ý tập trung vào phân tích, đánh giá, nhận định về cơ hội, thách thức, tiềm năng và những hạn chế trong phát triển; mối liên kết tương hỗ, biện chứng có tính liên ngành, lĩnh vực và liên kết lãnh thổ chưa (phát triển đô thị - khu chức năng - giao thông; mối quan hệ của Hà Nội với các tỉnh trong vùng, quốc gia...); nhấn mạnh “khát vọng phát triển” thể hiện qua tư duy, thay đổi trong quản trị Thủ đô để có không gian phát triển, môi trường đầu tư hấp dẫn hơn…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Về quan điểm và mục tiêu phát triển, Bộ trưởng đề nghị làm rõ thêm “triết lý phát triển” để tương xứng với vị thế, vai trò của Hà Nội và không gian của Thủ đô sau khi được mở rộng, sáp nhập với tỉnh Hà Tây. Quan điểm mang tính bứt phá, năng động phải làm “động lực phát triển hàng đầu”, “phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước”.

Về tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, cho ý kiến đối với: Các hành lang cần gắn với vùng và cả nước, hành lang kinh tế vùng Thủ đô (hành lang công nghiệp - đô thị - dịch vụ); Các tiểu vùng kinh tế; Các khu vực khuyến khích phát triển và các khu vực hạn chế phát triển; Các cực tăng trưởng giữ vai trò là trung tâm của Thủ đô.

Về khả năng kiến tạo không gian sống và làm việc hấp dẫn, thu hút nguồn lực tinh hoa trong và ngoài nước xây dựng và phát triển Thủ đô. Đặc biệt, cần bổ sung phân tích, xác định các tiêu chí, đánh giá, so sánh và lựa chọn phương án khả thi, hiệu quả nhất khi lựa chọn cấu trúc không gian theo hướng mô hình hệ thống đô thị đa tâm (trong đó ngoài đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, có thể hình thành 1 đô thị mới, đối trọng)...

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô đã được xây dựng trên cơ sở các triết lý, trụ cột phát triển nhằm hình thành các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn thể hiện khát vọng phát triển Hà Nội trong tương lai.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học và liên danh tư vấn đã tiến hành nghiên cứu, thảo luận và xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô được các chuyên gia, nhà khoa học gợi ý trong các phương án quy hoạch, gồm: văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian, nhấn mạnh những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; xác định “Văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô”; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”, hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không đến năm 2050.

Về tổ chức không gian, các phương án quy hoạch được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời “chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng”.

Cùng với đó, 6 nhiệm vụ trọng tâm được xác định gồm: Bảo vệ môi trường; Giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; Kinh tế; Văn hóa xã hội; An ninh, an toàn; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực. Trong đó, các nhiệm vụ về môi trường là nhiệm vụ cấp bách (giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông, làm sống lại hình ảnh dòng sông; xử lý ô nhiễm môi trường không khí).

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố mong muốn tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, bộ, ngành để hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố tiêu biểu với các tiêu chí Xanh, Văn hiến, Văn Minh, Hiện đại - Phát triển bền vững; xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học và kinh tế - là trái tim của cả nước.

Chuyên đề