Thẩm định Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới 2045, mục tiêu phát triển của tỉnh Thanh Hóa là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế. Không gian phát triển theo mô hình 4 trung tâm kinh tế động lực - 6 trụ cột tăng trưởng - 6 hành lang kinh tế - 5 vùng liên huyện nhằm tạo thế và lực mới trong sự phát triển của Tỉnh.
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 diễn ra ngày 27/5/2022
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 diễn ra ngày 27/5/2022

Sáng ngày 27/5/2022, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 được diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời gian tới tập trung phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao làm nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Báo cáo Quy hoạch cũng làm rõ định hướng không gian phát triển của Tỉnh theo mô hình 4 trung tâm kinh tế động lực – 6 trụ cột tăng trưởng – 6 hành lang kinh tế - 5 vùng liên huyện nhằm tạo thế và lực mới trong sự phát triển của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

Cụ thể, Báo cáo Quy hoạch đưa ra 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn) trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, dịch vụ logistics gắn với cảng biển Nghi Sơn. Trung tâm động lực TP. Thanh Hóa – Sầm Sơn, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch biển, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn – Sao Vàng) ưu tiên phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hàng không; phát triển du lịch di sản gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Lê Hoàn… Trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn – Thạch Thành) tập trung thu hút đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, máy nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, may mặc, giày da; du lịch sinh thái, tâm linh.

6 trụ cột tăng trưởng gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch (du lịch biển; du lịch sinh thái; du lịch tâm linh và văn hóa); y tế; phát triển hạ tầng; nguồn nhân lực.

6 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Bắc Nam; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Đông Bắc; hành lang kinh tế trung tâm; hành lang kinh tế quốc tế.

5 vùng liên huyện với các khu vực trung tâm gồm: Vùng 1 khu vực trung tâm của tỉnh là Thanh Hóa – Sầm Sơn; vùng 2 trung tâm là Thọ Xuân; vùng 3 trung tâm là Bỉm Sơn – Hà Trung; vùng 4 trung tâm là Nghi Sơn; vùng 5 trung tâm là Ngọc Lặc.

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng gợi ý các nội dung cần tập trung trao đổi và làm rõ, cụ thể mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Trong phương án phát triển chưa thể hiện được sự thay đổi, đột phá so với thời kỳ quy hoạch trước để trở thành 1 trong 4 cực tăng trưởng của phía Bắc về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Do đó, Bộ trưởng đề nghị làm rõ hơn khả năng liên kết phát triển với các tỉnh Bắc Trung Bộ để tạo nên cực tăng trưởng mới của vùng.

Bộ trưởng cũng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia quy hoạch cho ý kiến về phương án phát triển công nghiệp của Tỉnh; việc phát triển công nghiệp đảm bảo tính kết nối, liên kết về chuỗi giá trị về sản phẩm công nghiệp tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) khác trên địa bàn vùng (KKT Vũng Áng, KKT Hòn La, KKT Đông Nam Nghệ An); đồng thời xem xét tính hợp lý về phương án phát triển và quy mô đầu tư 10 khu công nghiệp mới, 68 cụm công nghiệp đảm bảo yêu cầu liên kết về chuỗi giá trị sản phẩm, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất.

Ngoài ra, các phương án phát triển của Tỉnh đều phụ thuộc vào việc mở rộng, nâng công suất Nhà máy Lọc hóa dầu trong KKT Nghi Sơn, trong khi biến động của kinh tế thế giới khó lường, nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung phương án phát triển và kịch bản tăng trưởng để lựa chọn đảm bảo tính khả thi. Mặt khác, trong quy hoạch coi đây là khu công nghiệp - đô thị- dịch vụ thì vấn đề bảo vệ môi trường chung cho cả KKT Nghi Sơn để đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, sạch, bền vững là việc cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.

Chuyên đề