Không một lĩnh vực nào có thể tách rời khỏi công nghệ thông tin và Internet. Ảnh: Gia Khoa |
Đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0
Tại Tọa đàm “Internet - nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” vừa diễn ra, các chuyên gia đã đánh giá toàn diện về tác động của Internet trong việc làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế - xã hội Việt Nam 20 năm qua.
Với sự định hướng của Nhà nước, sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ngành công nghiệp Internet của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, là tiền đề bước vào thời kỳ công nghệ 4.0. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng cũng đặt doanh nghiệp nội vào những thách thức, áp lực cạnh tranh quốc tế. Câu chuyện cuộc chiến giữa Uber, Grab với taxi truyền thống, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt với các dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook thời gian qua là những ví dụ điển hình.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, hiện nay, không một lĩnh vực nào có thể tách rời khỏi CNTT và Internet. Đặc biệt, khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Theo ông Trương Minh Tuấn, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông, Internet, nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững, đủ lớn mạnh để tiếp tục tiến bước ra thế giới. Đặc biệt, cần phải triển khai sớm các quyết sách và giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải xây dựng được hạ tầng CNTT mạnh, giữa Nhà nước, bộ, ngành và doanh nghiệp phải có sự chia sẻ, kết nối dữ liệu chặt chẽ để mọi ứng dụng hoạt động được thuận lợi, tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp CNTT làm ra sản phẩm mới. Về phía doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng CNTT, xem CNTT là hạt nhân kích hoạt sự phát triển, đem lại lợi ích cho cộng đồng, thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước.
Làm gì để nắm bắt cơ hội?
Bên lề Tọa đàm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, sau 20 năm “có mặt” tại Việt Nam, Internet đã góp phần làm thay đổi mọi mặt của cuộc sống. Internet như một làn gió mới đầy tích cực, đóng vai trò không nhỏ cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Internet mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp ngành dịch vụ - ứng dụng trên nền Internet và nội dung số.
Còn theo ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng giám đốc CMC Telecom, Internet hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường và các cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt cơ hội từ Internet, doanh nghiệp cần chủ động và mạnh dạn áp dụng các mô hình công nghệ mới. Tùy vào tính chất và quy mô doanh nghiệp, đặc thù lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp lựa chọn các loại hình công nghệ phù hợp. Và điều quan trọng hơn là doanh nghiệp cần phải nhận thức và “thấm nhuần” việc cần áp dụng các ứng dụng CNTT để tự chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tồn tại và phát triển bền vững.
Nhiều chuyên gia hàng đầu về CNTT cho biết, sự hiện diện của các tên tuổi như Google, Facebook, YouTube, Netflix, Alibaba, Tencent, Uber, Grab tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam thực sự là một miền đất có giá trị và hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng mặt khác, điều đó cũng đang đặt ra bài toán, doanh nghiệp trong nước phải làm gì để thích nghi, tồn tại, vươn lên và lớn mạnh cùng các đối thủ quốc tế.
Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực CNTT, Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng trên Internet của Việt Nam, với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet, nội dung số bình đẳng và bền vững để trong những năm tới.