Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023: Hướng đến một Việt Nam phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến mạnh mẽ mang tới những cơ hội và thách thức đan xen, cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, Chương trình "Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam" đã xuất hiện như một lời kêu gọi mạnh mẽ các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cũng như giải quyết những thách thức quan trọng mang tầm quốc gia.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN), Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức, nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.

Chương trình khuyến nghị các đơn vị cung cấp giải pháp sử dụng tư duy hệ thống để giải quyết vấn đề trong một bức tranh toàn cảnh một cách toàn diện nhất khả thi nhất, cũng như lên lộ trình cho việc hiện thực hóa các giải pháp dài hạn và bền vững.

Những giải pháp xuất sắc nhất sẽ có cơ hội nhận giải thưởng tổng trị giá lên đến 300.000 USD cùng các gói hỗ trợ toàn diện về nâng cao năng lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm, không gian làm việc, quảng bá giải pháp và mở rộng thị trường. Đặc biệt, các cá nhân/tổ chức chiến thắng sẽ tham gia chuỗi hoạt động giới thiệu và triển khai thí điểm đến các tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam.

Các giải pháp đang tập trung vào 4 vấn đề chính:

- Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa qua chuyển đổi số.

- Ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

- Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua nền tảng số.

- Tăng cường đối thoại hiệu quả giữa Chính phủ và doanh nghiệp qua nền tảng số.

Chương trình đã tiếp nhận tổng cộng 758 hồ sơ đăng ký giải pháp đến từ nhiều cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam và quốc tế trong 8 lĩnh vực khác nhau. Trong đó, gần 60% đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, còn lại đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo với đa dạng loại hình công nghệ được áp dụng.

Trong tổng số 758 giải pháp đăng ký không chỉ đến từ Việt Nam mà còn đến từ các nước và vùng lãnh thổ có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động và phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines... Những con số ấn tượng này không chỉ thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng mà còn khẳng định vai trò của Chương trình trong việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và lan tỏa những giá trị, tinh thần đổi mới sáng tạo, hướng đến mục tiêu chung của Chương trình.

Trong thời gian tới, 12 giải pháp đổi mới sáng tạo nhất sẽ được xướng tên và 4 giải pháp xuất sắc nhất sẽ được vinh danh tại Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023) dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư