Thách thức cân đối ngân sách nhà nước nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 6 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, tác động từ đợt dịch Covid-19 thứ 4 khiến số thu có xu hướng giảm trong những tháng gần đây và gây quan ngại với việc hoàn thành nhiệm vụ của cả năm. Bên cạnh việc đốc thúc thu đúng, thu đủ, có ý kiến cho rằng, cần tích cực đẩy mạnh chi đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh chi đầu tư phát triển là giải pháp để kích thích tổng cầu, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Đẩy mạnh chi đầu tư phát triển là giải pháp để kích thích tổng cầu, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả tích cực

Theo Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm, thu NSNN đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn khó khăn, kết quả thu NSNN 6 tháng nêu trên là tích cực. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,8% dự toán, tăng 17,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,7% dự toán, tăng 19,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 59,3% dự toán, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong nửa đầu năm, tổng chi NSNN ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng giao; giải ngân vốn 6 tháng đầu năm đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 33,04%).

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, bất chấp đại dịch hoành hành, số thu NSNN vẫn tiếp tục tăng. Điểm đáng chú ý là thu NSNN từ các khu vực doanh nghiệp tăng trưởng khả quan, phản ánh sức chống chọi và sự hồi phục của một bộ phận doanh nghiệp.

Thu ngân sách bám sát 2 kịch bản kinh tế

Đánh giá về kết quả thu NSNN nửa đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng đó là thành quả rất ý nghĩa. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến thu NSNN có dấu hiệu giảm xuống. Theo đó, tháng 5/2021, thu NSNN giảm khoảng 40 nghìn tỷ đồng, tháng 6/2021 giảm 14 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Tình hình này đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tài khóa, đặc biệt ảnh hưởng đến chi NSNN.

Bên cạnh đó, số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, do chịu tác động bởi dịch Covid-19, tổng số nợ thuế nội địa đến 30/6/2021 ước gần 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020.

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhận định, diễn biến phức tạp trở lại của dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đã và đang tác động không thuận đến kết quả thu NSNN của toàn quốc. Dự kiến thu NSNN các tháng tiếp theo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn.

Để hoàn thành nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, một trong những giải pháp được Bộ Tài chính nêu rõ là nỗ lực quản lý chống thất thu, bám sát 2 kịch bản về kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng để chuẩn bị các kịch bản điều hành và tổ chức thực hiện thu NSNN ở mức cao nhất.

Ngày 16/7, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết ngành tài chính 6 tháng đầu năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, nhiệm vụ của ngành tài chính 6 tháng cuối năm 2021 rất nặng nề. Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá, kể cả giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tăng cường chống thất thu, chống chuyển giá, quản lý chặt hoàn thuế, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu NSNN để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3 - 5% so với dự toán Quốc hội giao.

Từ góc độ cơ quan nghiên cứu, ông Lê Duy Bình cho rằng, bên cạnh các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ và nuôi dưỡng nguồn thu, Bộ Tài chính cần phải lưu ý đến việc đẩy mạnh chi đầu tư phát triển. “Thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cũng quan trọng không kém so với thu NSNN. Bởi phải đảm bảo tiến độ chi đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực”, ông Bình nhấn mạnh

Chuyên đề