Theo ông Bùi Công Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Tây Ninh, việc giao quá nhiều quyền cho chủ đầu tư đôi khi dẫn đến khép kín trong đấu thầu, đấu thầu chỉ là hình thức, tỷ lệ tiết kiệm giảm so với trước khi giao quyền cho chủ đầu tư, dự án phải điều chỉnh nhiều lần, nhiều dự án chậm trễ, chất lượng kém, đơn vị quản lý chuyên môn về đấu thầu không thể chủ động nắm bắt được tình hình thực hiện đấu thầu của chủ đầu tư.
Ngoài ra, đối với hợp đồng, việc quy định chi phí trượt giá, dự phòng là chưa rõ ràng, gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu...
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 7 Điều 35 Thông tư 03/2016/TT-BKHĐT thì kể từ ngày 1/1/2018, cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu… phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, hiện các cán bộ trên địa bàn Tây Ninh được cấp chứng chỉ rất ít nên không đảm bảo theo quy định.
Sở KH&ĐT tỉnh Tây Ninh kiến nghị Cục Quản lý đấu thầu tham mưu cho gia hạn thời gian áp dụng theo lộ trình để cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác lựa chọn nhà thầu bảo đảm có chứng chỉ theo quy định, bởi các cán bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu còn rất ít. Sở này cũng kiến nghị hoàn thiện các thủ tục pháp lý bảo đảm thống nhất giữa các luật, ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời; đồng thời, cần tăng cường hiệu quả trong việc phân phối, điều hành và quản lý dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).