Tập trung gỡ vướng cho các dự án điện trọng điểm

(BĐT) - “Nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với tiến độ sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện và gây khó khăn trong cung ứng điện trong những năm tiếp theo”, đó là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025 được tổ chức mới đây.
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai 9 dự án nguồn điện của EVN
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai 9 dự án nguồn điện của EVN

Theo đánh giá của Thường trực Chính phủ, giai đoạn vừa qua, các chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã có những cố gắng thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án nguồn nhiệt điện có quy mô công suất lớn dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2023. Tình trạng này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.

Nhằm bảo đảm cung ứng điện đến năm 2025, Thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng quy định tại Luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cần thiết.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai 9 dự án nguồn điện của EVN (các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn III và Ô Môn IV (đồng bộ với Dự án khí Lô B); các dự án thủy điện như: Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng); kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ các dự án.

Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét việc giao EVN thực hiện các bước tiếp theo mà không trình duyệt lại chủ trương đầu tư.

Chính phủ đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân III với tỷ lệ hợp lý, tối đa 30%. Đồng ý về nguyên tắc xem xét, ban hành cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét cụ thể đề nghị của EVN về việc cho phép các chủ đầu tư nhà máy điện đấu thầu mua LNG để bổ sung nguồn khí cho phát điện, đấu thầu thuê hoặc mua điện của các nhà máy điện nổi (chạy LNG) để có thể bổ sung nguồn cấp từ năm 2021...

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn: EVN, TKV, PVN đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho từng nhà máy điện, chấm dứt tình trạng thiếu than đã xảy ra trong thời gian qua.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc liên quan đến triển khai đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và một số dự án nhiệt điện khác (nếu có).

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thường trực Chính phủ yêu cầu xem xét việc các dự án nguồn và lưới điện của EVN được vay từ các ngân hàng thương mại vượt hạn mức tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan trong điều kiện phù hợp, theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề