Tạo sức hấp dẫn cho kinh doanh đường sắt

(BĐT) - Thảo luận về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải để nhà đầu tư nhìn rõ được sức hấp dẫn trong hoạt động kinh doanh đường sắt thì mới tạo được sự đột phá trong thu hút đầu tư phát triển loại hình vận tải này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

10 năm vẫn tụt hậu, yếu kém

Đánh giá về thực trạng đường sắt Việt Nam, đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP. Hà Nội) gói gọn trong hai từ “tụt hậu” và “yếu kém”. Đại biểu này lý giải, “tụt hậu” bởi hơn 130 năm phát triển, hiện đường sắt Việt Nam vẫn cơ bản là thế hệ công nghệ thứ 2 với hơn 3.100km đường đơn khổ 1m từ thời Pháp, đầu máy diezel tốc độ trung bình thấp, trong khi công nghệ đường sắt thế giới đang ở thế hệ thứ 4 với khổ ray đôi 1,435m, đệm từ trường, đầu máy điện tốc độ cao và chuẩn bị tiến sang thế hệ thứ 5. Còn “yếu kém” bởi công nghệ điều hành thủ công, lạc hậu, mạng lưới thiếu kết nối với các đầu mối giao thông, cảng biển, sân bay, khu kinh tế; năng lực kinh doanh và chất lượng dịch vụ kém.

Có chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) đánh giá, 10 năm kể từ khi ban hành Luật Đường sắt 2005, đến thời điểm này, lĩnh vực đường sắt hầu như không phát triển, vận tải đường sắt ngày càng yếu kém do không được đầu tư. “Toàn bộ hệ thống đường sắt của chúng ta chỉ là đường đơn, đường đơn chạy 2 chiều thì phải vào ga tránh nhau. Việc này kéo dài thời gian vận tải đường sắt. Đây là lý do khiến lĩnh vực vận tải này không phát triển được” – đại biểu Thể nhận định.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đặt vấn đề, giao thông vận tải đường sắt được xác định là loại hình giao thông an toàn nhất hiện nay, nhưng kinh phí đầu tư  cho loại hình giao thông này lại ít hơn nhiều so với các giao thông đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Câu hỏi đặt ra là thời gian qua, chúng ta đã quan tâm đầu tư cho lĩnh vực đường sắt hài hòa với các loại hình giao thông khác hay chưa? 

Phải làm cho nhà đầu tư quan tâm

Phát triển ngành đường sắt phải gắn với đổi mới quyết liệt và tạo động lực thúc đẩy ngành này hướng ra cơ chế thị trường, tách bạch Nhà nước, sản xuất, kinh doanh. 
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Thể nêu yêu cầu, việc sửa đổi luật này phải tạo sự đột phá trong phát triển đường sắt.

Đại biểu Thể phân tích, với các khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương..., nếu hình thành được tuyến đường sắt chuyên dụng để vận chuyển hàng hoá từ cảng đến các nhà máy sẽ an toàn hơn, chi phí rẻ hơn. Đại biểu này nhấn mạnh: “Chúng ta đưa ra các chính sách ưu đãi về đất, về vốn, nhưng lại chưa có quy định nào làm cho nhà đầu tư nhìn thấy tương lai để đầu tư. Vì thế, trình tự thủ tục hay cách tiếp cận thế nào phải đưa vào một chương trong Luật để các nhà đầu tư nhìn ra ngay, làm như thế thì mới xã hội hoá được, không thì rất khó”.

Ở khía cạnh xã hội hóa tạo môi trường cạnh tranh trong đầu tư kinh doanh đường sắt, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu ý kiến, để nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống đường sắt thông qua việc xã hội hóa, Dự thảo Luật cần quy định thị phần tối đa đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối để đảm bảo mở rộng thị trường giao thông vận tải dành cho các đơn vị ngoài Nhà nước tham gia hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh tế của hợp đồng đường sắt.

Ông Cảnh cũng nêu lên yêu cầu phải có tuyến đường sắt tốc độ cao để tận dụng được lợi thế của giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, phát triển ngành đường sắt phải gắn với đổi mới quyết liệt và tạo động lực thúc đẩy ngành này hướng ra cơ chế thị trường, tách bạch Nhà nước, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, có lộ trình tách bạch kinh doanh hạ tầng và kinh doanh vận tải đối với đường sắt quốc gia để thu hút các nguồn lực, có chính sách ưu đãi rõ hơn, đẩy mạnh khai thác lợi thế các nhà ga.

Chuyên đề