Thu ngân sách từ đấu giá kho số xe, số điện thoại đẹp sẽ rất lớn. Ảnh: Quân Mai st |
Do đó, việc khai thác có hiệu quả nguồn tài sản này là yếu tố quan trọng tạo ra của cải, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Công khai để giám sát
Khoản 2 Điều 8 Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) quy định các hình thức công khai tài sản công gồm đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các kỳ họp và các hình thức công khai theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định), quy định như vậy là chưa bảo đảm việc kiểm soát thường xuyên của người dân. Do đó, đại biểu này đề nghị bổ sung thêm một hình thức nữa là công khai trên chính tài sản công đó. Việc công khai này phải bao gồm các thông tin cơ bản như: cơ quan quản lý tài sản công, đối tượng được giao sử dụng tài sản công, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng và các thông tin khác. Đối với đất đai, trụ sở thì sẽ đặt biển gắn thông tin về cơ quan quản lý, đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng, toạ độ, diện tích sử dụng đất và thời gian giao đất. Đối với phương tiện, thiết bị thì sẽ gắn nhãn, ví dụ như xe công thì gắn nhãn có thông tin về cơ quan quản lý xe, đối tượng sử dụng xe, xe được dùng chung hay dùng riêng, thời gian sử dụng xe...
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, Dự thảo Luật quy định các nội dung về nguyên tắc giám sát của cộng đồng tại Khoản 5 Điều 6, Điều 9, tuy nhiên các quy định này mới chỉ mang tính hình thức, quá sơ sài vì không có cơ chế cụ thể, rõ ràng, phạm vi cho việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công. “Để đảm bảo nguyên tắc trong quản lý tài sản công, cần quy định chi tiết cơ chế giám sát của cộng đồng như thành phần tham gia giám sát, thời điểm, thẩm quyền và phạm vi giám sát” – đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất.
Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định cơ quan quản lý tài sản công đồng thời cũng là cơ quan có vai trò giám sát việc quản lý tài sản công, bên cạnh thẩm quyền giám sát của cộng đồng, của Quốc hội. “Như vậy, việc giám sát nào sẽ được ưu tiên, kết quả giám sát nào sẽ được xem xét nếu không có sự thống nhất về kết quả giám sát của các cơ quan này”, ông Đồng băn khoăn.
Có ngay nguồn thu từ đấu giá số xe, số điện thoại
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) chia sẻ quan điểm, trong khi ngân sách đang rất khó khăn, cần tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, việc đấu giá số xe, số điện thoại là việc nên làm và có thể khai thác được ngay.
“Qua tìm hiểu các văn bản pháp luật, thông tin về đấu giá biển số xe, số điện thoại, thông tin từ các tổ chức mua bán, sử dụng ô tô, xe máy, ước tính thu ngân sách trong vài chục năm tới từ giá trị tiềm năng của kho số xe, số điện thoại sẽ lên tới cả triệu tỷ đồng. Nếu được triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020 sau khi Luật có hiệu lực, chúng ta có thể thu đến 100.000 tỷ đồng tuỳ thuộc vào việc mở kho số các bộ ngành, việc thực hiện của các địa phương và sở thích của người dân theo từng thời kỳ” – đại biểu Cảnh phân tích.
Theo đó, ông Cảnh đề xuất, để tăng tính hiệu quả, khả thi nếu nội dung này được Quốc hội thông qua, sau này Chính phủ cần quy định người có số đẹp thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng số đó cho phương tiện, thiết bị mới mà không bắt buộc phải đấu giá lại đối với các số đã được đăng ký hợp pháp trước ngày Luật này có hiệu lực. Chính phủ cũng sẽ hướng dẫn số tiền thu được từ biển số xe để lại cho địa phương cấp biển số sử dụng. Quy định này không trái với Luật Ngân sách nhà nước.
“Năm 2008, Nghệ An đã thực hiện thí điểm đấu giá một biển số "tứ quý" 8, thu được 700 triệu đồng, tương đương với việc xây 17 căn nhà cho người có công với Cách mạng. Tháng 10/2016, một số điện thoại sáu số 8 của Viettel đã đấu giá được 1,6 tỷ đồng, tương đương với chi phí phẫu thuật cho hơn 40 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh. Dự tính trong 3 năm (2018 - 2020), chúng ta sẽ có thêm 1,8 triệu xe ô tô. Nếu bình quân một biển số đẹp đấu giá, biển số cấp theo yêu cầu là 25 triệu đồng thì sẽ có thể thu cho ngân sách là 45.000 tỷ đồng và số tiền thu được từ biển số xe máy còn có thể cao hơn” - ông Cảnh phát biểu.