Tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước nhờ thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) gắn với chuyển đổi số và phát triển bền vững. Để không bỏ lỡ cơ hội quý giá này, Việt Nam cần thực hiện nhanh các giải pháp để hiện thực hóa được khát vọng phát triển như mục tiêu đặt ra.
Doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã và đang tích hợp mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển… Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã và đang tích hợp mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển… Ảnh: Lê Tiên

Những kết quả bước đầu…

Chia sẻ tại Diễn đàn ĐMST trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức mới đây, ông Vương Đình Vũ, Giám đốc BuyMed - doanh nghiệp (DN) điều hành trang thương mại điện tử Thuocsi.vn cho biết, sau 6 năm khởi nghiệp, đến nay BuyMed đã có được chỗ đứng nhất định trên thị trường nhờ ứng dụng nền tảng số. Hiện BuyMed không chỉ vận hành ở thị trường trong nước mà còn ở cả thị trường Thái Lan và Campuchia.

Ông Vũ chia sẻ, với số vốn khởi nghiệp ít ỏi (khoảng 500 triệu đồng), DN gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với những khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa thì không thể chăm sóc được. Khi ấy, BuyMed suy nghĩ phải gọi vốn để làm lớn hơn và tốt hơn trong việc cung cấp các sản phẩm y tế, thuốc và giải pháp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. “Tham vọng của BuyMed là tạo ra một cuộc cách mạng, làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở châu Á có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận. Vì thế, tôi quyết định thành lập một công ty công nghệ để giải quyết tất cả những vấn đề này”, ông Vũ cho biết.

Cũng theo ông Vũ, trong quá trình vận hành, các vấn đề nảy sinh được giám sát và xử lý bằng những sáng kiến khắc phục một cách nhanh chóng để có được kết quả tích cực nhất. Sự sáng tạo bắt đầu ngay từ việc thay đổi bao bì sản phẩm theo hướng tuần hoàn, đến dán tem trên sản phẩm để giám sát quy trình vận chuyển…

Thông tin tại Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, hiện rất nhiều DN Việt Nam đã chủ động bắt nhịp xu thế chuyển đổi số kết hợp với chuyển đổi xanh (hay còn gọi là chuyển đổi kép) và bước đầu thành công. Nhiều DN đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong hoạt động du lịch và gặt hái thành công. Chẳng hạn, vừa rồi, tỷ phú Mỹ Bill Gates đến Việt Nam du lịch và thưởng thức trà trên đỉnh núi Bàn Cờ ở Đà Nẵng. Hay trong lĩnh vực công nghệ, trong bối cảnh nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới sa thải nhân viên thì Tập đoàn FPT lại thông báo tuyển dụng một lượng lớn nhân lực, nhằm phát triển thị trường xuất khẩu phần mềm ra thế giới.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN cho biết, có sự tăng trưởng rõ rệt trong mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DN Việt Nam. Năm 2023, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DN ở tất cả các ngành đều vượt lên trên ngưỡng điểm trung bình, nhận thức về chuyển đổi số đạt mức “nâng cao”. DN ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã và đang tích hợp mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển…

Tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) chia sẻ, gần đây, khi đề cập về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, các ý kiến đánh giá, hiện không chỉ là chính trị ổn định, nguồn nhân lực giá rẻ mà còn phải kể đến hệ sinh thái ĐMST ngày càng hoàn thiện.

Năm 2023, Chỉ số ĐMST toàn cầu GII của Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia có kết quả ĐMST vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á…

Đâu là giải pháp bứt phá?

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích ĐMST, hỗ trợ DN đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, song vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách.

“Chúng ta đạt được nhiều thành tựu về ĐMST gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhưng khi nhìn vào bản đồ kinh tế thế giới thì Việt Nam vẫn ở vị trí rất nhỏ bé. Trong Top 100 công ty lớn nhất, không có DN nào của nước ta. Đây là điều đáng suy nghĩ”, ông Đỗ Tiến Thịnh bày tỏ.

Theo đó, trả lời câu hỏi đâu là cách giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội “chuyển đổi kép” để bứt phá, ông Thịnh cho rằng, về cơ chế, chính sách đối với hỗ trợ DN khởi nghiệp ĐMST, trong 15 - 20 năm tới, Việt Nam có thể thay đổi chính sách theo hướng tập trung thay vì phi tập trung như hiện nay. Ví dụ, về ưu đãi đối với DN khởi nghiệp ĐMST, hiện quy định ở cả Luật Đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ DNNVV, trong cơ chế đặc thù của một số địa phương có một lượng lớn cơ chế chính sách cho hoạt động ĐMST… “Nếu cứ đi dàn hàng ngang về cơ chế, chính sách thúc đẩy ĐMST như hiện nay sẽ thiếu tính đồng bộ, thậm chí không thể tìm được “điểm nghẽn” then chốt để sửa đổi phù hợp”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, cần tận dụng các cơ hội xây dựng quy hoạch phát triển để hình thành những khu vực, trung tâm ĐMST; không bỏ quên các cơ chế, chính sách ĐMST trong khu vực công…

Để khắc phục những hạn chế trong cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong triển khai ĐMST, đại diện BuyMed cũng như một số DN khác cho rằng, các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tạo ra sự liên kết, liên thông về cơ chế, chính sách ĐMST, chuyển đổi số. Đồng thời, kết nối giữa 2 chính sách quan trọng là thu hút nguồn lực tri thức, hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới…

Chuyên đề