Tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu tín dụng có thể sẽ tăng trở lại khi nhiều tỉnh, thành phố được nới giãn cách. Trong khi đó, các ngân hàng thận trọng trước rủi ro khó lường của dịch bệnh có thể sẽ hãm đà giải ngân vốn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con số tăng trưởng tín dụng định hướng 12% cho cả năm vẫn có thể đạt được, đặc biệt trong nỗ lực tận dụng sự hồi phục kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.
Tính đến 25/8/2021, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,06%. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến 25/8/2021, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,06%. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 25/8/2021, huy động vốn tăng 4,44%, tín dụng với nền kinh tế tăng 7,06%, trong đó, tín dụng VND tăng 6,7% và tín dụng ngoại tệ tăng 13,33%. Riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, theo số liệu báo cáo của cơ quan thống kê địa phương, 8 tháng tín dụng của Hà Nội tăng 8,3% so với đầu năm, trong khi TP.HCM tăng 5,8% sau 7 tháng.

Trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế suy yếu do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung mọi nguồn lực giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn và nâng cao khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế. Đến nay, cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Về xu hướng tín dụng từ đầu năm đến nay, theo Nhóm nghiên cứu SSI Research, mặc dù tín dụng vẫn duy trì đà hồi phục từ tháng 4/2020, tăng trưởng trong tháng 8 có phần chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội. Trong 2 tháng 7 và 8, tổng giá trị tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 88.000 tỷ đồng, chủ yếu vào giai đoạn cuối tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức tăng thêm 600.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. SSI Research dự đoán tín dụng chưa có nhiều tiến triển trong tháng 9 và tháng 10, khi giãn cách xã hội vẫn còn áp dụng ở nhiều thành phố lớn.

Công ty CP Chứng khoán VNDirect hạ dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 xuống 10 - 12% từ mức 13% đưa ra trước đó do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, xét về nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại hiện nay, con số mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm 2021 vẫn có thể đạt được. Lực cản chủ yếu với việc giải ngân dòng vốn tín dụng là e ngại chất lượng tín dụng không đảm bảo dẫn đến rủi ro nợ xấu gia tăng.

“Thực tế, nhu cầu tín dụng của nhiều doanh nghiệp đang hồi phục, đặc biệt với kỳ vọng khả năng nới lỏng giãn cách ở các trung tâm kinh tế lớn trong thời gian tới. Tuy nhiên, các ngân hàng đang giằng co giữa việc bảo toàn nguồn vốn và mở rộng cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Việc đánh giá rủi ro thực tế của các khoản tín dụng hiện nay là không dễ dàng bởi còn phụ thuộc vào biến số từ diễn biến dịch bệnh nên các nhà băng thận trọng cũng dễ hiểu. Vì vậy, trong năm nay, mức tăng trưởng tín dụng 12% như định hướng đầu năm không hẳn là mục tiêu cần đạt được, mà quan trọng hơn là chú trọng hỗ trợ tín dụng đúng địa chỉ và kiểm soát chất lượng tín dụng”, ông Hiếu chia sẻ.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong quý IV, dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt hơn trên nhiều tỉnh, thành phố, giúp nhu cầu vốn tín dụng tăng. Từ đó, tín dụng có thể được đẩy ra thị trường với tốc độ nhanh hơn 2 tháng vừa qua.

“Nếu thuận lợi, khả năng tăng trưởng tín dụng có thể ở mức 11 - 12% cho cả năm, tương đương năm ngoái và tương đối phù hợp với sức hồi phục của nền kinh tế. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp còn cân nhắc việc vay vốn bởi vẫn còn khó khăn từ cả đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng cũng thận trọng hơn trong giải ngân, đặc biệt ở những lĩnh vực được đánh giá là rủi ro cao”, ông Lực nói.

Chuyên đề