Tăng tốc cơ cấu lại nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn 2021 - 2025 được dự báo là khó khăn và bất định hơn nhiều so với giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo các chuyên gia kinh tế, trước các thách thức và cơ hội phát triển, đòi hỏi Việt Nam cần tăng tốc cơ cấu lại nền kinh tế.
Nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số đã phát huy tác dụng, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số đã phát huy tác dụng, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đề ra 22 mục tiêu cụ thể, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ. Đó là cơ cấu lại ba trọng tâm gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm: thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, việc thực hiện Kế hoạch đã đi vào thực chất hơn, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trước hết là thay đổi tư duy đi liền với quyết tâm, hành động cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành.

Cải cách DNNN không chỉ chú ý đến số lượng DN cổ phần hóa mà còn chỉ đạo giảm mạnh tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các DN dẫn đến những chuyển biến thực chất hơn. Hoạt động cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh với hàng nghìn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm, tạo được niềm tin và hứng khởi của cộng đồng DN.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn này góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa cho phát triển. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu.

Nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực thúc đẩy kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số phát huy tác dụng, tạo được niềm tin của nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải thiện hiệu quả chung của nền kinh tế.

Cơ cấu đầu tư công chuyển dịch theo hướng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xã hội; giải ngân vốn đầu tư công được chú trọng thực hiện và kiểm soát chặt chẽ… Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được thực hiện quyết liệt, giúp giảm nợ xấu, củng cố hệ thống tài chính, tạo điều kiện hạ lãi suất, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được ghi nhận, việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số hạn chế, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thị trường yếu tố sản xuất, gồm vốn, đất đai, tài nguyên, khoa học công nghệ, trí tuệ còn kém phát triển. Người dân, DN đã được tự do kinh doanh, nhưng thiếu an toàn kinh doanh nên có hiện tượng DN sợ lớn hoặc muốn lớn mà không lớn được…

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, bên cạnh những khó khăn, đất nước đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, kế hoạch cơ cấu nền lại kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần đưa ra các mục tiêu và giải pháp đồng bộ nhằm tạo nên những thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài. Đồng thời, từng bước tạo lập được hệ thống động lực và nền tảng để hướng tới nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, hiện có những điểm nghẽn liên quan đến thể chế. Đó là tình trạng các quy định pháp luật vừa thiếu vừa yếu, và vẫn còn chồng chéo; công tác thực thi cũng còn hạn chế. Theo bà Minh, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tạo điều kiện để các chủ thể kinh tế có thể xây dựng chiến lược phát triển trung, dài hạn, thúc đẩy đầu tư ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do đó, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn mới cần gắn liền với củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu và khả năng ứng phó với biến động bên ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực…

Cùng với đó, lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, đảm bảo nguồn lực được huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả theo nguyên tắc thị trường đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo…

Một số ý kiến khác nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường nội lực, phát triển lực lượng DN trong nước; phát triển các loại hình thị trường yếu tố sản xuất; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chuyên đề