Tăng giá điện: Bao nhiêu, thời điểm nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022 là năm đầu tiên trong 5 năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải báo lỗ do biến động giá cả đầu vào khiến chi phí sản xuất và mua điện tăng mạnh. Với số lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, EVN đứng trước bài toán làm thế nào để cân bằng hiệu quả tài chính. Nếu tăng giá bán điện thì thời điểm tăng giá, tăng ở mức nào đang là những câu hỏi thách thức, trong bối cảnh “sức khỏe” của doanh nghiệp và người dân đang rất dễ bị tổn thương…
10 tháng đầu năm 2022, EVN ghi nhận khoản lỗ 15.758 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
10 tháng đầu năm 2022, EVN ghi nhận khoản lỗ 15.758 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

EVN cho biết, từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới tăng mạnh đã làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Ghi nhận theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu thực hiện đúng kế hoạch vận hành hệ thống điện được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ tới 64.805 tỷ đồng. Do thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí, nên 10 tháng đầu năm 2022 EVN ghi nhận lỗ 15.758 tỷ đồng, dự kiến cả năm 2022 có thể lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.

Dự báo năm 2023, lãnh đạo Tập đoàn cho rằng, giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và nhiều khả năng còn ở mức cao. Trong khi đó, tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm, còn tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao lại tăng tương ứng. Với khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ phải ghi nhận trong năm 2022 và bối cảnh năm 2023 sắp tới, giá điện tại Việt Nam đứng trước áp lực phải tăng, do chi phí đầu vào tiếp tục tăng.

Bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay: “EVN đã đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện và Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát đề xuất này theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg”.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết, theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN cứ 6 tháng xem xét lại một lần các thông số đầu vào giá điện. Nếu thông số đầu vào tăng hợp lý do các nguyên nhân khách quan thì xem xét điều chỉnh tăng giá bán, còn thông số đầu vào giảm thì phải giảm giá bán.

Cũng theo ông Long, theo cấu thành giá bán điện năm 2022 như EVN tính toán thì ngành điện càng làm càng lỗ. Mặt khác, chiểu theo quy định về thời gian điều chỉnh giá bán điện tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cho thấy, từ năm 2019 đến nay, Việt Nam chưa điều chỉnh giá bán điện, trong khi chi phí đầu vào đã tăng rất cao.

“Vì thế, có 2 lý do có thể tăng giá điện trong năm nay. Một là, dư địa kiểm soát lạm phát vẫn còn do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng mới tăng hơn 3%, trong khi mục tiêu cả năm là 4%. Hai là, căn cứ vào Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg thì từ năm 2019 đến nay, nước ta chưa tăng giá điện trong khi hiện trạng doanh nghiệp trong ngành đang lỗ nặng vì chi phí đầu vào”, ông Long phân tích.

Số liệu của EVN cho thấy, 10 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế nước ta có sự hồi phục mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu về sản lượng điện tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2021. Nếu tình trạng lỗ kéo dài, doanh nghiệp ngành điện khó có thể cung ứng ổn định sản lượng điện theo nhu cầu của nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Việc điều chỉnh giá bán điện là khó tránh khỏi, nhưng TS. Ngô Trí Long cho rằng, cần làm dần dần, để tránh gây hệ lụy cho nền kinh tế.

Ở góc nhìn khác, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh nhận định, nếu để ngành điện liên tục lỗ lớn sẽ rất khó thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư vào thị trường điện. Do đó, trong bức tranh chung, cần tính toán giá điện ở mức chấp nhận được cho dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, quyết sách tăng giá để cân bằng tài chính là cần thiết, nhưng không nên tăng quá nhiều vì sẽ tác động ngược lại với nền kinh tế.

Trong khi bài toán tăng giá điện đang “cân não” các nhà hoạch định chính sách thì từ phía doanh nghiệp, một số chuyên gia cho rằng, đây là diễn biến cần phải dự liệu trước khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Để chủ động ứng phó với diễn biến giá điện sẽ tăng, doanh nghiệp nên quan tâm và đẩy mạnh việc chuyển đổi hoạt động theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm điện; áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả, hướng tới mô hình sản xuất xanh. Trên bình diện chung toàn nền kinh tế, Chính phủ cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chuyên đề