Tăng đầu tư từ ngân sách để tạo cú hích tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng tổng mức đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn giai đoạn 2016 - 2020 là cần thiết.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước dự kiến là 2,750 triệu tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước dự kiến là 2,750 triệu tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ an toàn nợ công và việc bố trí dự toán chi đầu tư phải căn cứ vào khả năng thu NSNN thực tế.

Dự kiến hoàn thành nhiều dự án quan trọng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Báo cáo của Chính phủ, KHĐTCTH vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua với tổng mức vốn đầu tư tối đa là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 1,12 triệu tỷ đồng (gồm vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng, vốn trong nước 820 nghìn tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 880 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN dự kiến là 2,750 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn NSTW là 1,38 triệu tỷ đồng (bao gồm vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng, vốn trong nước là 1,080 triệu tỷ đồng); vốn cân đối NSĐP là 1,37 triệu tỷ đồng.

Theo đó, nguồn vốn NSTW sẽ bổ sung có mục tiêu cho địa phương tối đa không quá 270 nghìn tỷ đồng; bố trí vốn cho các bộ, cơ quan trung ương không thấp hơn 270 nghìn tỷ đồng; bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là 50 nghìn tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới là 50 nghìn tỷ đồng.

NSTW cũng bố trí vốn cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể khoảng 332 nghìn tỷ đồng, bao gồm: dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm, kết nối, có tác động lan tỏa liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án đường ven biển, dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, nghĩa vụ thanh toán của NSTW.

Với phân bổ nêu trên, Chính phủ dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển cả nước, các tuyến đường kết nối, các cảng hàng không, cảng biển…, góp phần giảm thời gian lưu thông hành khách và hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng không gian phát triển... Đồng thời, hạn chế tác động, góp phần chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước cho một số vùng, khu vực chịu ảnh hưởng, bảo đảm đời sống nhân dân và mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Đảm bảo cơ cấu vốn hợp lý

Thẩm tra tình hình thực hiện KHĐTCTH giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025, UBTCNS cơ bản nhất trí với tổng số vốn Chính phủ dự kiến cho giai đoạn này. UBTCNS cho rằng, để khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, có những bước đột phá, tăng trưởng thì việc tăng tổng mức đầu tư NSNN trong giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn giai đoạn 2016 - 2020 là cần thiết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm UBTCNS nêu rõ, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ an toàn nợ công, bảo đảm nguyên tắc số bội chi NSNN phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển và việc bố trí dự toán chi đầu tư hàng năm phải căn cứ vào khả năng thu NSNN thực tế theo quy định của Luật NSNN.

Về cơ cấu nguồn vốn, cơ quan thẩm tra cho rằng, đã sát hơn với thực tế. Tuy nhiên, đối với vốn đầu tư nguồn NSTW, số kế hoạch tương đối cao so với số thực hiện của giai đoạn trước, tăng 41,2%. Vì vậy, việc cân đối nguồn vốn cần được tính toán kỹ lưỡng hơn, đồng thời, phải bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW.

Khi phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, xác định tổng số vốn vay trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển để Chính phủ chủ động điều hành, tránh bị động, phải điều chỉnh như giai đoạn vừa qua. Trong lúc NSTW còn rất nhiều khó khăn, nhiều bộ, ngành không được bố trí đủ nhu cầu cấp thiết, Chính phủ cần báo cáo rõ hơn cơ cấu và tương quan vốn bố trí cho các bộ, ngành với số bổ sung có mục tiêu cho địa phương và các dự án trọng điểm để đảm bảo cơ cấu vốn hợp lý.

Chuyên đề