Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước. Ảnh: Ngô Ngọc Anh |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quan điểm này trong cuộc trao đổi bên lề Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016.
Chính phủ không đi bán bia, bán sữa…
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, CPH và Nhà nước bán vốn tại các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ là vấn đề rất quan trọng, được dư luận quan tâm đặc biệt. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về vấn đề thoái vốn một số DNNN, Thủ tướng có nói rằng Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Nói cách khác là việc đó Chính phủ hay Nhà nước không cần nắm giữ mà tư nhân, DN trong và ngoài nước làm tốt hơn thì để cho DN tư nhân làm. Nhà nước dành tiền đầu tư những dự án then chốt, có sự quyết định tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Với quan điểm đó, Thủ tướng yêu cầu, các DNNN đã CPH nhưng chưa niêm yết phải niêm yết trên sàn chứng khoán, dựa trên tư vấn để chúng ta đưa ra một giá khởi điểm đấu giá công khai, minh bạch với sự giám sát của người dân. “Chúng ta chỉ cần làm sao vẫn giữ được thương hiệu, làm sao thu được lợi ích cao nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước để cho thấy rằng đồng tiền được sử dụng hiệu quả, minh bạch và người dân được hưởng lợi nhiều nhất”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tại Cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco phải thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn và gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước. Về giá bán, ông Hải cho biết, sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm, có thể là tư vấn nước ngoài để thẩm định giá cổ phiếu của hai DN này tại thời điểm bán làm căn cứ công bố giá khởi điểm trước khi thực hiện đấu giá. Về đối tượng mua, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần kinh tế, ngành nghề kinh doanh, đều có thể tham gia đấu giá.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN
Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đề xuất, cần ban hành Luật thúc đẩy CPH DNNN nhằm luật hóa các quy định về CPH và thoái vốn nhà nước ra khỏi DN, bao gồm cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy cổ phần hóa, lộ trình cổ phần hóa, mức độ thoái vốn và thời gian thực hiện đối với từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về định giá doanh nghiệp, xử lý tài chính, công nợ, ngăn ngừa thất thoát tài sản...
Liên quan đến nội dung này, ngay sau khi văn bản về việc CPH DNNN quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành được công bố, một số ý kiến dư luận lo ngại việc phải kiểm toán kết quả định giá DN sẽ ảnh hưởng đến tiến độ CPH DNNN vốn đang rất chậm trễ.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng: “Làm chậm cũng không ảnh hưởng vì với quan điểm phải làm đúng, chính xác, minh bạch dựa trên cơ chế thị trường, minh bạch chứ không thể làm vội mà để ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước. Phải đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn để việc thoái vốn nhà nước tại DN thực sự minh bạch, không chỉ định. Tất cả những việc làm này để thể hiện giao dịch minh bạch, công khai của doanh nghiệp. Khi bán vốn, các doanh nghiệp nào đặt giá cao nhất là bán, với tinh thần thu về nhiều vốn nhất cho Nhà nước”.
Ông Cung nhấn mạnh: “Các DNNN phải thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ luật thị trường, bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước”.