Đánh thức tiềm năng, lợi thế Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án hạ tầng đường bộ quy mô lớn đã và đang được đầu tư, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tiến gần đến ngày trình Chính phủ phê duyệt đang góp phần định hình không gian phát triển, tầm nhìn, động lực mới cho dải đất miền Trung.
Các dự án cao tốc đem lại nhiều hy vọng về sự phát triển cho dải đất miền Trung. Ảnh: Hà Minh
Các dự án cao tốc đem lại nhiều hy vọng về sự phát triển cho dải đất miền Trung. Ảnh: Hà Minh

“Cú hích” từ các dự án hạ tầng

Nhiều chuyên gia đánh giá, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đang được hấp thụ lượng vốn đầu tư từ ngân sách “khủng” nhất từ trước đến nay. Số vốn đó đang “chảy” vào các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án đường bộ ven biển, cảng biển, sân bay. Trong tổng số 12 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có tới 10 dự án với tổng vốn đầu tư 119,773 nghìn tỷ đồng, trải dài từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Nha Trang (Khánh Hòa). Cú hích đầu tư mạnh mẽ này mang đến kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới khi hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thành đồng bộ.

Cơ hội đang rộng mở đối với các địa phương trong vùng. Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cơ hội đến từ các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cửa khẩu quốc tế của vùng được hòa chung vào dòng chảy giao thương và thành quả kinh tế sẽ dừng lại tại “các ga” là các địa phương được hưởng lợi.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, có nhiều dư địa phát triển mới về quỹ đất để Tỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị, khai thác du lịch và dịch vụ trong phạm vi ảnh hưởng về không gian và địa lý khi dự án hạ tầng đi qua. Từ các trục “xương sống” hiện đại này, các dự án hạ tầng Quốc lộ 1, tuyến ven biển, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, sân bay Quảng Trị sẽ được kết nối đồng bộ, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa giao thông đối nội và đối ngoại. Hàng hóa, hành khách từ cảng Mỹ Thuỷ, sân bay Quảng Trị, từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo sẽ được vận chuyển thông suốt và vươn tầm ra đại dương rộng lớn đến các thị trường tiềm năng.

Trên hành trình đánh thức Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Đà Nẵng có vai trò quan trọng, được kỳ vọng hội tụ và lan tỏa nhiều cơ hội đến các địa phương trong vùng. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hệ thống giao thông đường bộ kết nối nội vùng, liên vùng sẵn sàng để đồng bộ với các dự án do Trung ương đầu tư sẽ thông quan từ Lào tới Thái Lan, Myanmar. Lợi thế này giúp Đà Nẵng và các địa phương lân cận thu hút được lượng lớn du khách, thúc đẩy giao thương với các thị trường khu vực Đông Bắc Á. Cảng Đà Nẵng (gồm cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu) sẽ trở thành cửa biển chính hướng ra Thái Bình Dương của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên. Trong tương lai, Myanmar xây dựng cảng ở bờ Đông Ấn Độ Dương, kết nối thuận lợi bằng đường bộ và đường sắt với cảng Đà Nẵng thì tuyến hành lang kinh tế này sẽ phục vụ cho giao thương giữa hai vùng kinh tế quan trọng: Đông Bắc Á và các nước Nam Á.

Tăng trưởng kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2005 - 2020 bình quân đạt 7,3%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước cùng giai đoạn (6,36%/năm). Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 đạt 1.157 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng nằm trên cánh cung khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bình Định đang tháo gỡ khó khăn tại Dự án Quốc lộ 19 Bình Định - Gia Lai nhằm tạo thế liên hoàn khai thác tối đa tiềm năng từ cảng Quy Nhơn lên các tỉnh Tây Nguyên, Lào, Campuchia và Thái Lan. Bên cạnh đó, cảng hàng không Phù Cát sẽ được nâng cấp, mở rộng, đón đầu tiềm năng từ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh mang lại.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đánh giá, Bình Định đang xác lập vai trò là cực tăng trưởng của vùng duyên hải miền Trung - Trung Bộ khi có hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng, với đầy đủ các phương thức vận tải, cảng biển quốc tế Quy Nhơn, cảng hàng không Phù Cát và 5 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn.

Định hướng từ quy hoạch

Tháng 4/2022, Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2050. Phạm vi lập quy hoạch bao gồm đất liền và không gian biển của TP. Đà Nẵng và 13 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ cùng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng thực hiện. Đến thời điểm này, Quy hoạch đang được Liên danh Công ty TNHH Haskoning DHV Việt Nam - CIEM - Isponre hoàn thiện các công đoạn cuối trước khi trình Chính phủ.

Đại diện Liên danh nhà thầu cho hay, một số nội dung đang được rà soát kỹ lưỡng theo chỉ đạo của Chính phủ trước khi trình phê duyệt. Trong đó, làm rõ thêm thế mạnh phát triển kinh tế biển, cảng biển; nêu bật những yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội khi hạ tầng giao thông trục Bắc Nam được cải thiện rõ rệt thông qua việc đánh thức tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, các khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp theo hướng kết nối, các khu kinh tế ven biển, cảng biển...

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ diễn ra tại Nghệ An tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tổng hợp danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nội vùng, liên vùng, thống nhất với danh mục tại Nghị quyết số 168/NQ-CP triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. “Quy hoạch vùng được thông qua sẽ là cơ sở để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng có 1.800 km bờ biển, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước và nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn nên có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong quá trình lập Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông và logistics kết nối nội vùng và liên vùng, trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa, đặc biệt là hàng hải và đường sắt kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây, đảm nhận vai trò cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên. Qua đó giảm chi phí logistics, góp phần tăng năng suất lao động xã hội, tăng mật độ các hoạt động kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.

Chuyên đề