Quy hoạch Hà Nội lấy đổi mới để ngang tầm khu vực và thế giới làm đầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình hoàn thiện các bước cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho sự phát triển của Hà Nội để ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới, trở thành cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng và đất nước.
Ảnh: Anh Tuấn
Ảnh: Anh Tuấn

GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trưởng ban Ban điều hành Liên danh tư vấn quy hoạch Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Báo Đấu thầu về những định hướng phát triển và giải pháp để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Thủ đô.

Quy hoạch phải hướng vào điểm nghẽn và giải quyết chúng

GS.TS Hoàng Văn Cường

GS.TS Hoàng Văn Cường

Việc lập Quy hoạch là cơ hội quý để Hà Nội tạo ra không gian và động lực mới cho phát triển. Xin ông cho biết những tiềm năng, lợi thế sẽ giúp Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu trong Quy hoạch?

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Hà Nội có nhiều giai đoạn được các triều đại phong kiến chọn là kinh đô. Nhiều bằng chứng khảo cổ học, tư liệu lịch sử đều cho thấy người Việt đã hiện diện liên tục ở đây. Thăng Long - Hà Nội là địa danh hội tụ và trầm tích nhiều lớp tinh hoa văn hóa, hun đúc nên biểu tượng văn hóa, văn minh và văn hiến của Thủ đô.

Hà Nội cũng được thiên nhiên ưu đãi khi có cả núi, rừng với cảnh quan thiên nhiên đẹp; có 3/4 diện tích là đồng bằng thuận lợi cho phát triển. Hệ thống sông và hàng trăm hồ lớn, nhỏ dầy đặc, trong đó sông Hồng là biểu tượng của nền văn minh lúa nước, là vẻ đẹp đặc trưng của Hà Nội. Hà Nội là vùng có thời tiết ôn hòa, khí hậu 4 mùa, nổi bật là hương sắc mùa thu tạo nên nét đẹp cuốn hút riêng có của Thủ đô.

Hà Nội có hệ thống danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc. Tính đến hết năm 2022, Thành phố có 5.922 di tích được kiểm kê, trong đó, 2.624 di tích được xếp hạng (chiếm gần 1/3 tổng số 9.000 di tích xếp hạng của cả nước).

Với những tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa chính trị, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, nên thời kỳ nào của lịch sử, Hà Nội đều giữ vai trò là đầu não chính trị, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa của cả nước.

Sở hữu những tiềm năng, lợi thế ấy, Hà Nội đáng lẽ là một thành phố Thủ đô rất đẹp về cảnh quan, môi trường, không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Nhưng trên thực tế, chúng ta nhìn thấy Hà Nội không đẹp bởi những chung cư cũ lụp xụp, nhà dân tự xây chen chúc, cháy nổ đe dọa mất an toàn. Kể cả 36 phố phường - nét đẹp riêng có của Thủ đô giờ đây cũng xe cộ chen chúc.

Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Đóng góp của Hà Nội vào kinh tế cả nước có xu hướng tăng, chiếm tỷ trọng cao trong vùng Đồng bằng sông Hồng, song vị thế của Hà Nội đang có xu hướng giảm dần so với sự vươn lên của các tỉnh trong vùng.

Trên thực tế, khách du lịch tới và chọn Hà Nội như một điểm dừng chân, trung chuyển chứ không phải vì điểm đến; xếp hạng hạ tầng và doanh thu du lịch ở mức rất thấp. Đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ, các học viện, cơ quan nghiên cứu tập trung trên địa bàn Hà Nội nhưng chưa có nhiều đóng góp để Hà Nội có bước phát triển vượt trội…

Đâu là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Hà Nội cần phải tháo gỡ, thưa ông?

Điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Hà Nội trước hết là từ quy hoạch. Chúng ta chưa có phương án quy hoạch để Hà Nội phát triển thành thủ đô xứng tầm và cũng bởi sự ràng buộc của quy hoạch nên Hà Nội chưa phát triển được. Đơn cử, những khu chung cư cũ vì quy hoạch khống chế chiều cao xây dựng dẫn tới xây dựng thấp tầng, chen chúc, lộn xộn, “trải mành mành” trên mặt đất; việc phát triển đô thị theo vết dầu loang với các dự án nhà ở thấp tầng đầu tư dở dang để hoang hóa lãng phí.

Điểm nghẽn về hạ tầng cũng cản trở sự phát triển của Thủ đô. Trong đó, hạ tầng giao thông nội đô kém phát triển, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới đạt 18,5%, thấp hơn nhiều so với các thủ đô phát triển (50 - 60%). Giao thông là nguồn chính gây khói bụi, ô nhiễm môi trường; tình trạng tắc đường gây thiệt hại ước tính mỗi năm khoảng 1,2 tỷ USD. Hà Nội thuộc nhóm thành phố có mức ô nhiễm cao nhất thế giới, cao hơn cả TP.HCM và vượt xa tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới... Ngoài ra, sự tắc nghẽn về hạ tầng dịch vụ và xã hội cũng khiến Hà Nội không giãn được mật độ dân cư.

Hà Nội có Luật Thủ đô từ năm 2012 nhưng chưa tạo ra khung khổ pháp lý riêng cho sự phát triển của Thủ đô nên Quốc hội phải ban hành một nghị quyết về cơ chế đặc thù như nhiều tỉnh, thành phố khác.

Sông Hồng đáng ra phải là nơi hấp dẫn, phát triển sầm uất nhất của Hà Nội nhưng hiện đang tập trung những vấn đề bức xúc, mất an toàn, phát triển lộn xộn hai bên bờ sông, không chỉ lãng phí nguồn lực đất vàng mà đang làm mất đi vẻ đẹp của Thủ đô. Di sản văn hóa để hoang, không được khai thác cho phát triển vì thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu cơ chế huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào khai thác, vận hành.

Tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi về sự năng động, sáng tạo, tiên phong, sức gánh vác đối với nhiệm vụ phát triển Thủ đô.

Phương án trục kết nối trung tâm hành chính mới Thủ đô ở phía Bắc sông Hồng với Trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình

Phương án trục kết nối trung tâm hành chính mới Thủ đô ở phía Bắc sông Hồng với Trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình

Quy hoạch tốt sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư

Xin ông chia sẻ phương án đột phá nào có thể giúp Thủ đô thay đổi “giao diện”, phát triển xứng tầm trong thời gian tới?

Những đột phá trong Quy hoạch trước hết phải hướng đúng vào các điểm nghẽn và giải quyết chúng, nếu không thì Hà Nội sẽ tiếp tục “giậm chân tại chỗ”.

Theo đó, đột phá phải bắt đầu từ thể chế, tạo ra đặc thù, vượt trội trong các phương án phát triển. Đơn cử, chúng ta có phương án phát triển sông Hồng, khai thác sông Hồng trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ, trung tâm thương mại, tất cả những hoạt động kinh tế được định hướng, tập trung xoay mặt ra sông Hồng; cần có chính sách, cơ chế khai thác sông Hồng đoạn qua Hà Nội vượt qua khung chính sách quy định về đê điều, thoát lũ, phòng chống thiên tai áp dụng chung cho toàn quốc.

Thay vì tự bó mình, phải tạo lập cơ chế phát triển cho Hà Nội với những tư duy đột phá. Khi đó, Hà Nội sẽ nổi bật với nhiều điểm nhấn như trục sông Hồng là không gian văn hóa ở khu vực sát mép nước hình thành con đường di sản tái hiện lịch sử nghìn năm dựng nước, giữ nước, giới thiệu hình ảnh, cảnh quan, đất nước con người của 63 tỉnh, thành; tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống từ mọi miền đất nước.

Thực hiện cơ chế đặc thù để cải tạo các khu phố cổ, khu kiến trúc Pháp thành không gian đi bộ mua sắm, ẩm thực và lưu trú phục vụ khách du lịch. Lựa chọn bảo tồn một mô hình khu chung cư cũ, nhà ở tự xây để lưu lại dấu ấn của một thời kỳ phát triển.

Phát triển trục sông Hồng cũng cần giải quyết bài toán về mực nước sông với 2 đập tràn ngăn nước được đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng trên sông Đuống và khu vực sông Hồng (đoạn dưới Hà Nội) để tạo cảnh quan, dòng chảy êm đềm như một số dòng sông chảy qua các thủ đô nổi tiếng như sông Thames chảy qua London (Anh), sông Seine chảy qua Paris (Pháp)…

Trục Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối lịch sử và hiện tại, kết nối không gian lịch sử, văn hóa thành Cổ Loa với thành Thăng Long và Hồ Tây, là điểm hội tụ của hai trục không gian lịch sử, văn hóa Hồ Tây - Cổ Loa và không gian văn hóa Hồ Tây. Đây cũng là trục kết nối trung tâm hành chính mới của Thủ đô (Đông Anh) với trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Đình với đại lộ - quảng trường, cầu qua sông Hồng. Trong đó, cầu đi bộ Tứ Liên cùng với các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thành phố tạo điểm nhấn tham quan, ngắm cảnh Thủ đô, nơi tụ họp người dân thành phố hai bên sông Hồng nhân các dịp lễ hội.

Khu vực trung tâm hành chính của Hà Nội cũng cần được quy hoạch lại về phía Bắc sông Hồng (Cổ Loa - Đông Anh), xây dựng trục Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối quá khứ và hiện tại; kết nối trung tâm hành chính mới Thủ đô ở phía Bắc sông Hồng với Trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình; có đại lộ - quảng trường và cầu đi bộ qua sông; các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, tạo điểm nhấn tham quan, ngắm toàn cảnh Thủ đô; nơi tụ họp người dân trong các dịp lễ hội.

Với các chung cư cũ, áp dụng mô hình đô thị TOD để cải tạo tổng thể cả khu vực nhà chung cư cũ và nhà ở thấp tầng, nơi có ga tàu điện ngầm, thành khu đô thị văn minh, hiện đại: không gian ngầm để tái lập địa điểm kinh doanh và thu hút dịch vụ; không gian trên cao để phát triển nhà ở tái định cư tại chỗ cho người dân; không gian mặt đất dành cho phát triển cây xanh và hoạt động công cộng.

Cùng với đó, mở rộng không gian cho Hà Nội về phía Hòa Lạc, Xuân Mai với định hướng phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo; mở rộng về phía khu vực Sơn Tây - Ba Vì với rừng quốc gia Ba Vì là trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và công viên quốc gia động vật hoang dã kết hợp phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng; phát triển loại hình nghỉ dưỡng và lưu trú trong rừng tại khu vực đồi rừng Sóc Sơn.

Về các ngành sản xuất, Quy hoạch hướng tới phát triển thế mạnh của công nghiệp Hà Nội, hình thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, hóa dược, mỹ phẩm; các sản phẩm công nghệ cao, vật liệu mới, các ngành mới nổi; công nghiệp cơ khí chính xác và công nghiệp đường sắt. Phát triển không gian làng nghề truyền thống thành không gian văn hóa du lịch; hình thành trung tâm hàng thủ công kỹ nghệ quốc gia, thu hút giao dịch quốc tế. Phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.

Phát triển nông nghiệp đô thị với các sản phẩm đặc trưng như đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, hoa Tây Tựu, Mê Linh, nông nghiệp trải nghiệm phục vụ khách du lịch; nông nghiệp sinh thái, hữu cơ có giá trị cao, góp phần cân bằng carbon.

Để giải bài toán phát triển, nguồn lực cần huy động là rất lớn. Các giải pháp, chính sách nào được đề xuất tại Quy hoạch, thưa ông?

Đúng là nguồn lực cần thiết để có những thay đổi đột phá và lột xác cho quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội là rất lớn. Với vai trò của Thủ đô, chúng ta không nên quá lo lắng về nguồn lực vì ngay bản thân quy hoạch, phương án quy hoạch nếu được xây dựng tốt có thể tạo ra các tiềm năng, nguồn lực cho phát triển. Nếu có một bản quy hoạch tốt, mô hình phát triển kèm theo hành lang pháp lý đảm bảo thống nhất cho đầu tư thì sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư rất lớn ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư cho Hà Nội.

Tuy nhiên, ngân sách Thành phố cần được huy động ở một số khâu mà tư nhân không thể tự bỏ tiền ra làm. Đó là việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng như đường sắt kết nối các điểm đô thị, các cầu qua sông… và phải giải quyết dứt điểm, quyết liệt từ nay tới năm 2035.

Hệ thống hạ tầng tốt sẽ kéo theo đầu tư tư nhân tham gia cải tạo các khu chung cư cũ trở thành điểm đô thị hiện đại; giãn đô thị để hình thành những điểm đô thị mới ở xung quanh trung tâm, hình thành thành phố mới.

Cần lưu ý, quy hoạch chỉ là phương án được định hình, còn quá trình triển khai, thực thi quy hoạch là vấn đề lớn và quan trọng hơn nhiều. Khi triển khai quy hoạch, nếu không thực hiện theo, hoặc tìm cách dễ, tiện trong quá trình thực hiện, hoặc bị cản trở bởi những thử thách, những yếu tố ràng buộc, xung đột về lợi ích không vì sự phát triển tổng thể lâu dài sẽ làm cho quy hoạch bị bóp méo.

Do vậy, Dự thảo Quy hoạch đưa ra quan điểm phải cương quyết lấy sự thay đổi, đổi mới, tạo phát triển là căn cứ, cơ sở để đưa ra các quyết định. Một trong những yếu tố quan trọng là phải có một thể chế vượt trội cho Hà Nội để làm những việc đáng làm, không vướng vào các yếu tố cản trở vì lợi ích cá nhân, nhóm nhỏ mà bỏ qua lợi ích của số đông, của sự phát triển.

HĐND TP. Hà Nội vừa xem xét, thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để UBND Thành phố hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển Hà Nội là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.

5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

4 khâu đột phá chiến lược bao gồm: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; Phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ, đặc biệt là đường sắt đô thị; Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; Phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.

Chuyên đề