Tấm thiệp Xuân của người vẽ giấc mơ “Simson”

(BĐT) - Năm 1982, 1983 và 1984, GS. Karl Claus Dietel đều gửi thiệp mừng Xuân đến người học trò - họa sỹ Lê Huy Văn - đang làm công tác thiết kế mẫu ở xứ sở nhiệt đới xa xôi. Thông điệp của 3 tấm thiệp đều hàm ý nhắn nhủ về nền tảng quan trọng của giáo dục trong việc hình thành nhân cách và tài năng cho con người.  Trong đó, 1  tấm thiệp vẽ hình 2 cây thông với dòng chữ Tư duy - Tồn tại; Gieo trồng - Chăm sóc…
Hình ảnh về dòng xe Simson vẫn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người và như được hồi sinh với thú chơi xe cổ của giới trẻ
Hình ảnh về dòng xe Simson vẫn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người và như được hồi sinh với thú chơi xe cổ của giới trẻ

Thương hiệu ký ức

Thập kỷ 80, trên phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác của miền Bắc, bóng dáng xanh - đỏ của xe máy Simson (mô kích) luôn thu hút ánh mắt ngưỡng mộ, ước ao của không ít người. Đó là sự kiêu hãnh, tài sản đáng giá của nhiều “tri thức” mang về khi họ học tập, lao động tại CHDC Đức, hay là dấu hiệu của dân nhiều tiền… Giữ vị trí độc tôn về phương tiện di chuyển sang trọng, Simson đã “chạy” vào tâm khảm người tiêu dùng một cách nhanh chóng và mạnh mẽ bởi nhiều tính năng tiện lợi: dễ dàng bảo quản, sửa chữa… Màu sắc, thiết kế của dòng xe này cũng rất hợp nhãn quan, thể trạng người Việt.

Họa sỹ Lê Huy Văn đã miêu tả về chiếc xe: “Mô kích chính là sự chuẩn hóa của thiết kế tài tình, công năng tiện ích”. Tự tin về điều đó, bởi có lẽ ông chính là người Việt Nam hiểu rõ nhất về số phận chìm nổi của dòng xe Simson. Năm 1967, khi đang học cuối năm thứ 2 tại Đại học Thiết kế công nghiệp Halle (CHDC Đức), ông may mắn được GS. Karl Claus Dietel, người khai sinh dòng xe Simson trực tiếp giảng dạy.

Thời gian học ở Halle, ông Văn từng được phân công thực tập tại Xí nghiệp quốc doanh Sản xuất ô tô, xe máy Simson, thuộc một tỉnh miền núi Suhl vào lúc thời tiết rất lạnh. Phải lăn lộn ở các phân xưởng của Xí nghiệp trong gần 1 tháng không phải là điều dễ, nhất là khi ông nhận việc tại phòng vẽ, nơi thiết kế tạo dáng cho các sản phẩm; cũng như theo dõi, kiểm nghiệm quá trình chạy xe.

Một ngày sau cơn mưa lớn, ông Lê Huy Văn được lệnh cùng nhân viên kỹ thuật đi thử chiếc Simson từ Suhl tới Berlin với chiều dài gần 200 km, chiếc xe do ông cầm lái khi qua khúc cua đóng băng trơn, đã trôi tuột vào bờ ruộng gần 50 m. Rất may tất cả đều bình an. Tuy vậy, sự cố đã giúp họ hiểu còn nhiều thứ cần được cải thiện.

Ngoài những lần được giao thử xe, ông Văn thường tập trung phác thảo mô hình các mẫu tay lái, đèn trước xe… Những điểm sáng tạo ưu việt sẽ được lựa chọn đưa vào áp dụng cho việc cải tiến các dòng xe mới.

Khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, Simson bắt đầu mất đi vị thế độc tôn. Tuy vậy, hình ảnh về nó vẫn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người cao tuổi và như được hồi sinh với những hội, nhóm “sưu tập, trao đổi Simson” của giới trẻ. 

Ngài giáo sư kỹ tính

GS. Karl Claus Dietel về thỉnh giảng tại Halle vào năm 1967, cuối năm học thứ 2 Lê Huy Văn được Giáo sư trực tiếp hướng dẫn làm một số bài thi tốt nghiệp. Trong ấn tượng họa sỹ Lê Huy Văn, Karl là một người rất nguyên tắc, kỷ luật; ông có đôi mắt biếc, thường diện bộ comple xám và cau mày khi lũ sinh viên chậm hiểu những lời giảng bài đậm phong ngữ địa phương của mình.

Một buổi học, Giáo sư hỏi Văn: “Mày biết dân Việt Nam muốn gì ở một chiếc xe máy?”. Và chính từ câu trả lời của Văn: “Chúng tôi hay buộc nhiều đồ vật cồng kềnh phía sau xe, điều đó có thể ảnh hưởng đến tấm yên”, Karl Claus Dietel đã lập tức thiết kế, bổ sung thêm tính năng tiện ích cho sản phẩm “cưng” của mình “Yên xe Simson được chế tạo để có thể tháo lắp dễ dàng”.

Người Đức giỏi tận dụng những ý tưởng sáng tạo. Karl Claus Dietel cũng vậy. Ông luôn khơi gợi, thúc đẩy sinh viên suy nghĩ và chắt lọc các ý tưởng hay để hiện thực hóa nó. Điều đó, cũng tác động tốt với sinh viên, khi họ thấy chất xám của mình được trân trọng và sẽ chăm chỉ hơn để tư duy trước các trở ngại.    

Karl Claus Dietel trưởng thành từ một anh công nhân cơ khí, ông thao tác thuần thục bên những cỗ máy tiện. Cả sau này khi trên cương vị giảng viên, ông cũng không rời xa những cỗ máy. Đây là cách giáo dục của người Đức, tất cả phải bắt đầu và luôn gắn bó với thực tiễn. Karl Claus Dietel đã học 2 năm tại Trường đào tạo Kỹ sư giao thông xe Zwiclcau và học thiết kế công nghiệp tại Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Berlin. Bài tốt nghiệp của ông là mẫu xe trọng tải loại trung bình, nó cũng đồng thời đặt nền móng cho dòng xe nổi tiếng sau đó “Wartburg 353”. Thời gian này, Karl cũng phác thảo ra hình khối cơ bản, khởi nguồn cho hàng loạt mẫu xe rất được ưa chuộng ở một loạt nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có thương hiệu nổi tiếng Simson.

Đặc biệt, đóng góp lớn nhất của ông cho nền mỹ thuật thiết kế CHDC Đức, ở giai đoạn sáng tạo sung sức nhất, chính là “Nguyên lý mở”. Nguyên lý mở tập trung vào việc giúp người tiêu dùng có thể làm chủ, sử dụng, chăm sóc, thay thế… và bảo quản một cách dễ dàng những vật dụng họ sở hữu. Ở Simson đó là nguyên lý cấu tạo đơn giản để người sử dụng có thể cảm nhận bằng mắt thường, để họ dễ dàng thay đổi và cải tiến hình dáng bên ngoài, thậm chí cả một số yếu tố kỹ thuật… theo ý thích cá nhân của mình.

Từ giữa những năm 60, Karl thực hiện chủ trương do chính mình đưa ra “Mệnh lệnh trái tim”, là tạo ra một sản phẩm xe tốt và bền cho đất nước. Tiếc rằng, “đó là một con đường cay đắng” như ông thừa nhận sau này. Dù vậy, trong suốt 21 năm (từ năm 1963 - 1984), ông đã liên tục nghiên cứu và thiết kế tới 7 loại mẫu mới cho xe Trabant. Bên cạnh đó, sự cống hiến trên của Giáo sư cũng được CHDC Đức ghi nhận trên các cương vị: Chủ tịch chuyên ngành Thiết kế công nghiệp, nghệ thuật thủ công Hội Mỹ thuật chuyên ngành; Chủ tịch Hội Nghệ sỹ tạo hình…

Với Việt Nam, dấu ấn Karl Claus Dietel hiện hữu ở một thời kỳ đáng nhớ của nhiều người, thông qua hình ảnh Simson huyền thoại. Tình yêu của ông dành cho Việt Nam cũng đậm nét với nỗ lực gửi đến nhiều thế hệ giảng viên mỹ thuật các tài liệu giảng dạy, giúp họ xây dựng bộ giáo án chuẩn. Thậm chí, ông còn trực tiếp đến Việt Nam với tư cách người thầy. Ông luôn hy vọng, những tinh hoa thiết kế hiện đại sẽ giúp bổ trợ nhiều kiến thức cho các thế hệ sinh viên Việt Nam, để họ có thể góp phần tạo dựng một nền công nghiệp tiện ích, hiệu quả cho đất nước… 

Bữa sáng ngày 25/9/2014 trong căn nhà tại Chemnitz, ông già 80 tuổi dựa tay trên chiếc bàn gỗ dẻ gai, một đĩa bánh mỳ nhỏ và ly cà phê nóng, trầm ngâm nhận tin mình được vinh danh “Nhà tạo dáng công nghiệp hàng đầu của CHDC Đức” - “Giải thưởng Liên bang về desgin cho toàn bộ công trình cuộc đời”. Đơn giản, ông già nhỏ nhắn tên gọi Karl Claus Dietel xứng đáng được ngợi ca với danh hiệu cao quý, bởi những đóng góp không ngừng nghỉ của mình với ngành thiết kế công nghiệp Đông Đức.

Tháng 10 năm 2019, họa sỹ Lê Huy Văn đã nối liên lạc được với GS. Karl Claus Dietel sau một thời gian dài gián đoạn. Giáo sư rất vui mừng và cảm động, vì một trong những điều mình đã dạy các thế hệ học trò “Sự biết ơn”, vẫn trong tinh thần của họa sỹ Văn ở đất nước Việt Nam xa xôi…

Chuyên đề