Tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng: Kỳ vọng tháo điểm nghẽn tiến độ đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuối tuần trước, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư ra khỏi dự án đầu tư (Tổ công tác) đã được thành lập. Việc tách GPMB thành dự án riêng được nhiều địa phương, chuyên gia và đối tác tài trợ đề xuất như một giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn muôn thuở làm chậm tiến độ đầu tư công.
Năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư công chậm tiến độ, trong đó, có 1.074 dự án gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư công chậm tiến độ, trong đó, có 1.074 dự án gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, năm 2020 có 1.867 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Trong đó, có 1.074 dự án gặp vướng mắc do công tác GPMB. Các năm trước, GPMB cũng là nguyên nhân chậm tiến độ mà nhiều dự án gặp phải nhất.

7 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều bộ, địa phương còn chậm, GPMB lại được nêu ra là một trong những nguyên nhân cản tiến độ. Nhiều nhà thầu chia sẻ, có dự án thời gian GPMB kéo dài đến 2 - 3 năm hay GPMB theo kiểu xôi đỗ, nhà thầu thi công rất khó khăn, phát sinh thêm nhiều chi phí. Nhiều dự án ODA khi vay xong, các tỉnh chưa sẵn sàng vốn đối ứng để GPMB, làm chậm tiến độ giải ngân vốn vay…

Cho rằng việc bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp, nhiều địa phương đã đề xuất tách GPMB thành dự án riêng, dự án đầu tư khi có vốn là có mặt bằng thực hiện ngay, tránh lãng phí nguồn vốn được phân bổ.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu tách việc bồi thường, GPMB thành dự án độc lập tại thời điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án. Đây là một giải pháp quan trọng để khắc phục sự chậm trễ trong việc thực hiện các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), ngay tại Luật Đầu tư công đã có quy định trong những trường hợp cần thiết, dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A thì cấp thẩm quyền có thể xem xét, quyết định tách GPMB thành một dự án riêng. Việc này cần giao cho địa phương để tăng trách nhiệm, không còn tình trạng đùn đẩy giữa việc chậm giải ngân do tiến hành đầu tư hay do GPMB…

Theo Quyết định của Thủ tướng, Tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Tổ phó gồm Thứ trưởng Bộ KH&ĐT và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Các thành viên gồm Thứ trưởng nhiều Bộ; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố.

Tổ công tác sẽ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc xây dựng Đề án thí điểm về việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, rà soát, tổng hợp các căn cứ, luận cứ, làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động chính sách; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư…

Một số ý kiến đề xuất, việc GPMB có thể thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện GPMB rất lớn, nếu tách riêng công tác GPMB để bố trí vốn đầu tư công thì cần có điều kiện cụ thể, có sự cân đối vốn phù hợp, chủ động chuẩn bị kế hoạch đầu tư đồng bộ để không lãng phí quỹ đất sau khi giải phóng.

Đối với các dự án trọng điểm về giao thông, trường hợp khâu GPMB được tách thành một dự án riêng và giao cho địa phương thực hiện, xem xét có cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện GPMB cho các địa phương khó khăn, nguồn thu thấp, không cân đối được nguồn. Việc sửa đổi Luật Đất đai cũng nên chú trọng đến vấn đề bồi thường, thu hồi đất, để tháo gỡ tận gốc vướng mắc về GPMB.

Thực tế, thời gian qua, cùng với sửa đổi Luật Đầu tư công, đã có những cơ chế đột phá được Chính phủ đề xuất để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Năm 2020, Quốc hội chấp thuận ủy quyền cho Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 trong phạm vi dự toán được giao. Đây được đánh giá là cơ chế đột phá, xuất phát từ thực tiễn và đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực. Những nút thắt và vấn đề nổi cộm còn ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công được kỳ vọng sẽ dần tháo gỡ, như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính - xây dựng thể chế bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, vấn đề chưa có quy định pháp luật hoặc quy định đã vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm, tham mưu thể chế hóa.

Chuyên đề