Sức mua giảm, làm khó doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong báo cáo ngành tiêu dùng tháng 12/2022, Công ty CP Chứng khoán VNDirect chia sẻ một số dấu hiệu cho thấy, người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao, giảm chi tiêu rõ nét. Hệ lụy của tình trạng này là các doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng trong năm mới 2023 phải đối mặt với triển vọng khó khăn…
Nhiều tổ chức dự báo sức mua tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều tổ chức dự báo sức mua tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023. Ảnh: Tiên Giang

Năm 2022, tăng trưởng trên mức nền thấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước ước đạt tăng trưởng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng là 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%). Nếu so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2022 tăng 15%.

Sự phục hồi sức cầu tiêu dùng sau giai đoạn bị “dồn nén” bởi dịch bệnh trong năm 2021 cùng những chính sách kích cầu của Nhà nước như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai trong thực tế, đã mang lại tác động tích cực đến ngành bán lẻ, tiêu dùng Việt Nam. Từ đó, mang lại kết quả kinh doanh tích cực cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ, thực phẩm và đồ uống trong năm 2022.

Chưa có báo cáo tài chính cả năm 2022, nhưng số liệu 9 tháng đầu năm của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (Thế giới di động) cho biết, doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 15,9%. Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT-Retail), đơn vị đang sở hữu chuỗi cửa hàng FPT Shop và chuỗi nhà thuốc Long Châu công bố doanh thu tăng 54,9% so với cùng kỳ năm trước trong khi lợi nhuận trước thuế gấp 2,7 lần. Với Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 2,06 lần và 2,36 lần so với cùng kỳ 2021.

Tăng trưởng nhờ tiêu dùng hồi phục cũng là kết quả ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống khác như Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty CP Đường Quảng Ngãi trong 9 tháng đầu năm 2022, bất chấp những biến động bất thường của giá nguyên vật liệu. Ước tính của Habeco, cả năm 2022, Công ty mẹ ước đạt 6.801 tỷ đồng doanh thu tiêu thụ các sản phẩm chính và 375,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Các chỉ tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều tăng trưởng so với thực hiện trong năm 2021.

Tuy vậy, năm 2023 các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, tiêu dùng đang được dự báo sẽ khó có thể duy trì được mức tăng trưởng cao như năm vừa qua trong bối cảnh biến động kinh tế vĩ mô có những tác động tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng.

Sức mua giảm, báo hiệu khó khăn năm 2023

Tháng 10/2022, Công ty CP Thế giới di động công bố doanh thu thuần giảm 11% so với cùng kỳ 2021, trong đó, chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh giảm 18%. Tháng 11/2022, doanh thu giảm tiếp 13% so với cùng kỳ 2021 và lãi sau thuế giảm đến 67%. Đây là mức doanh thu thấp nhất hơn 1 năm qua và lợi nhuận thấp nhất kể từ tháng 4/2017. Ban lãnh đạo Thế giới di động cho biết, kết quả kinh doanh quý IV năm 2022 bị ảnh hưởng bởi mức tiêu thụ cho các mặt hàng không thiết yếu giảm đi, lãi suất tăng và lỗ tỷ giá.

Tương tự, Công ty CP Thế giới số (Digiworld) cũng công bố kết quả sơ bộ tháng 10/2022 với doanh thu giảm so với cùng kỳ 2021 và giảm so với tháng trước đó. Lãnh đạo Công ty thừa nhận, tình hình thị trường đang khó khăn nhưng đang tích cực làm việc với tất cả nhãn hàng để kích cầu cũng như tăng nguồn cung phục vụ thị trường.

Quan sát từ thị trường cho thấy, sau giai đoạn tăng trưởng tốt nửa đầu năm 2022, bức tranh kinh doanh của ngành bán lẻ, tiêu dùng cho thấy những tín hiệu xấu đi rõ rệt, đặc biệt là từ đầu quý IV/2022 đến nay. Doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao, tỷ giá VND/USD liên tục gia tăng, giá cả hàng hóa leo thang trong khi sức mua của người tiêu dùng đi xuống. Khối doanh nghiệp trong ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, nuôi thủy sản… đối mặt với khó khăn khi sức mua tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, EU. Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra trên diện rộng, xuất phát chính từ khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay.

Số liệu của Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Bình Dương - một trong những trung tâm công nghiệp phía Nam cho biết, trong những tháng đầu năm 2022 có trên 1 triệu lao động trở lại làm việc, nhưng từ cuối quý II/2022 đến nay, đa số các doanh nghiệp ngành xuất khẩu chịu nhiều ảnh hưởng, đơn hàng mới không có, nhiều đơn hàng cũ bị hủy, nên người lao động phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên hoặc mất việc. Thống kê sơ bộ (từ tháng 7 đến tháng 11/2022), toàn tỉnh có trên 250.000 lao động phải giảm giờ làm, có 37.700 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, trong đó có ngành gỗ, dệt may, da giày, điện cơ khí.

Trong các phân tích mới đây, nhiều tổ chức đã đồng loạt dự báo sức mua tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023. Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đánh giá, tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng trở lại do nhu cầu cắt giảm nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động và tỷ lệ doanh nghiệp dừng kinh doanh gia tăng. Ngành du lịch chưa hồi phục như kỳ vọng do nhiều yếu tố; kiều hối suy giảm do tình trạng khó khăn chung; tăng lãi suất và áp lực lạm phát ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ nội địa và hành vi mua sắm đang là những trở ngại đối với triển vọng ngành bán lẻ.

VNDirect thì cho rằng, thời gian gần đây, việc mở rộng kinh doanh của một số nhà bán lẻ lớn đang chững lại hoặc giảm tốc. Chẳng hạn, việc mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang đã bị trì hoãn kể từ quý III/2022, số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh, Circle K cũng có mức giảm so với đầu năm… Bối cảnh thị trường khó khăn đặt thêm áp lực với DN trong mong muốn trụ lại và tăng trưởng trên thương trường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư