Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Quang Khánh |
Cơ bản khắc phục tình trạng quyết định đầu tư tùy tiện
Chiều 22/10, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra, tính đến năm 2017, tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước giảm xuống còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội, tương đương 11,6% GDP. Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.
Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung, và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện. Hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tăng.
Đặc biệt, tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn được khắc phục cơ bản. Tổng số dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn là 9.620 dự án (không bao gồm các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia), chỉ bằng khoảng 50% so với giai đoạn trước về số dự án. Trong đó, số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 65,4%. Khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán kế hoạch đầu tư công.
Thông qua việc đổi mới công tác lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công, chuyển từ lập kế hoạch hằng năm sang kết hợp giữa kế hoạch trung hạn và hằng năm khắc phục được tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc. Công tác hoàn thiện thể chế về đầu tư công cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Áp lực lớn cho cân đối ngân sách 2 năm còn lại
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng cân đối NSNN còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên tỷ trọng vốn đầu tư nguồn NSNN còn lại rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi NSNN, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, trong tổng số vốn trung hạn phân bổ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đủ khả năng cân đối được khoảng 53% nhu cầu vốn NSTW cho các dự án thuộc 21 chương trình mục tiêu được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016.
Việc phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế, do nguồn vốn cân đối hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu; chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương.
Đánh giá 2 năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hạn mức vốn phải thực hiện còn lại trong 2 năm 2019, 2020 của Kế hoạch đầu tư trung hạn còn lại khá nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hằng năm. Để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội trong 2 năm còn lại, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí ngân sách trung ương khoảng 237 nghìn tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết do nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương được tính trên khả năng thu của ngân sách địa phương, việc quy định cứng nhắc theo hạn mức của Kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với nguồn vốn này là khó khả thi, làm xáo trộn cân đối ngân sách của các địa phương. Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục triển khai giao kế hoạch hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu của ngân sách địa phương theo thực tế hằng năm, triển khai tổng kết vào cuối kỳ Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.