Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm: Đã đến lúc cần những thay đổi lớn

0:00 / 0:00
0:00
Với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế trong 20 năm qua, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số tồn tại cần thay đổi lớn...
Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm: Đã đến lúc cần những thay đổi lớn

So với các nước trên thế giới thì tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm của Việt Nam đạt khoảng 3% GDP, đây là một tỷ lệ thấp so với mặt bằng thế giới. Cụ thể là tỷ lệ thu phí bảo hiểm của một số nước phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 9,7% GDP và tỷ lệ trung bình trên thế giới là 6,1% GDP. Đây cũng chính là lí do Luật Kinh doanh bảo hiểm, một luật đã có 20 năm về trước cần phải được thay đổi...

Đó là nội dung báo cáo của Bộ Tài chính vừa ban hành về việc thay đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã được sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019. Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, lần này là kiến nghị thay đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, không phải là chỉ sửa đổi một số điều như 2 lần sửa đổi trước.

THỊ TRƯỜNG CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG

Trước đó, trao đổi với VnEconomy, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và đây cần được xem là một kênh dẫn vốn cần thiết để đầu tư trở lại cho nền kinh tế.

Riêng năm 2020, thị trường bảo hiểm mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng toàn thị trường vẫn duy trì được sự tăng trưởng khả quan với tổng giá trị tài sản bảo hiểm ước tăng 21,5% so với năm 2019, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 22,3%, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng 27%, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 15,2% so với năm 2019...

Trong báo cáo về việc cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, tiềm năng thị trường bảo hiểm còn rất lớn, nhu cầu bảo hiểm trong khu vực công, khu vực công nghiệp, thương mại, hộ gia đình và dân cư đang đòi hỏi ngày càng cao, trong khi quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn. Từ khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 được ban hành, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Tính đến hết năm 2020, có 70 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm... tại thị trường Việt Nam. Thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1 triệu lao động.

Đặc biệt, tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 24%/năm trong 20 năm qua, đạt 552.403 tỷ đồng năm 2020. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế từ bảo hiểm cũng tăng trưởng bình quân 24%/năm và đạt 460.457 tỷ đồng vào năm 2020.

Báo cáo còn dẫn ra con số thống kê từ các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy tổng giá trị được bảo hiểm đến năm 2020 là 11,7 triệu tỷ đồng. Hiện có khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn, 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn và 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không...

SAU 20 NĂM, CẦN LÀM MỚI LUẬT CHO PHÙ HỢP

Mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019 nhưng về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản của Luật, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Do đó, với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế trong 20 năm qua Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số tồn tại cần thay đổi lớn.

Báo cáo phân tích, thực tế hiện nay phần lớn sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm được cung cấp tại thị trường Việt Nam chất lượng còn thấp. Đặc biệt các sản phẩm bảo hiểm mới tiếp cận được một số đối tượng nhất định. Trong khi đó, theo khảo sát thì nhiều khu vực, tầng lớp, tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận được với các sản phẩm bảo hiểm thương mại phù hợp với nhu cầu, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm cho các tài sản cá nhân... Bên cạnh đó, đang xuất hiện quá nhiều tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm.

Có tình trạng tranh giành khách giữa các công ty bảo hiểm, giữa các đại lý môi giới, nhân viên bán bảo hiểm. Thậm chí còn tình trạng nhân viên bán bảo hiểm giới thiệu không đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm cho khách hàng, không giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm...

Trước hiện trạng đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm là thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách và sự tồn tại của thị trường...

HƯỚNG ĐẾN CÁC CHUẨN MỰC QUỐC TẾ

Trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi mà Bộ Tài chính đang xây dựng lần này có nhấn mạnh đến mục tiêu hướng đến các chuẩn mực quốc tế, nhằm bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, tạo chuẩn mực mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cụ thể, dự thảo quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, đây là quy định mà Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không có. Đối tượng áp dụng luật này chính là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia góp vốn, thành lập, hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động trên thị trường bảo hiểm; Cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kinh doanh bảo hiểm... Như vậy, cả cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm cũng trở thành đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đây là bước đi mới nhằm tạo sự bình đẳng trong thị trường bảo hiểm, một thị trường mà Việt Nam đã mở cửa khi gia nhập WTO.

Dự thảo còn quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể Nhà nước phải có chính sách điều tiết các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nhà nước còn có trách nhiệm phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam cả về quy mô và chất lượng, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, Nhà nước phải chú trọng tiếp cận với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh bảo hiểm đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt là phải thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công khai, minh bạch từ quản lý nhà nước đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bên mua bảo hiểm, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành bảo hiểm.

Một quy định mới so với luật hiện này và có tác động lớn đến thị trường bảo hiểm là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại tổ chức kinh doanh bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại tổ chức kinh doanh bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới. Tổ chức kinh doanh bảo hiểm có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết của mình đối với bên mua bảo hiểm...

Bộ Tài chính kỳ vọng, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi lần này sẽ khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách hiện tại và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng theo các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm...

Chuyên đề