Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư, nhất là trong trường hợp điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư, là vấn đề được đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công |
Trước đề xuất xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (ĐTC) của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần đưa ra những chế tài nghiêm nếu không thực hiện đúng quy định.
Các bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc thực hiện
Đánh giá 3 năm thực hiện Luật ĐTC, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ĐTC đã khắc phục được thực trạng không sắp xếp được nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn mà vẫn phê duyệt, bố trí vốn trung hạn.
Tuy nhiên, đối với những bất cập trong thực hiện Luật ĐTC, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, các quy định của Luật ĐTC gây phiền hà, phức tạp, ảnh hưởng tới việc giải ngân vốn kế hoạch ĐTC hàng năm, vốn ĐTC trung hạn. Nhưng khi nghiên cứu kỹ thì lại thấy rằng trong triển khai, các bộ, ngành, địa phương chưa chấp hành đúng kỷ cương, kỷ luật của Luật ĐTC.
Đơn cử, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, lập, tổng hợp giao kế hoạch đầu tư đều không đáp ứng theo quy định. Tất cả các khâu đều triển khai chậm hơn so với thời gian quy định tại Luật ĐTC. Công tác chuẩn bị dự án cũng còn mang tính hình thức, hồ sơ dự án sơ sài, kém về chất lượng; dự án được bố trí kế hoạch vốn chưa giải ngân được do chưa có mặt bằng, chưa có thiết kế kỹ thuật được duyệt…
Để giải quyết thực trạng trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải chấp hành đúng quy định của pháp luật trong thực hiện ĐTC. Vấn đề cốt lõi là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương khi được phân cấp. Luật sửa đổi cần bổ sung thêm chế tài đối với việc lập, tổng hợp, giao kế hoạch không đúng thời gian quy định của pháp luật, trừ trường hợp bất khả kháng.
Không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
Trình bày tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật ĐTC được xây dựng, ban hành cách đây 3 năm. Trong quá trình thực hiện Luật không tránh khỏi những hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn, một số quy định trong Luật ĐTC quá cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ dẫn tới tình trạng không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch...
Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật ĐTC với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch...
Do đó, Chính phủ đề xuất được sửa đổi Luật ĐTC. Bộ KH&ĐT, Ban soạn thảo đã xác định 5 nhóm vấn đề chủ yếu để đề xuất sửa đổi Luật ĐTC. Trong đó có các vấn đề về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, nhất là các vấn đề vướng mắc trong thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư; các trường hợp đặc thù, đặc biệt... Vấn đề về trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án, nhất là trong trường hợp điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư, những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư... Vấn đề về kế hoạch ĐTC, nhất là về cơ chế giao KH vốn, điều chỉnh KH vốn, điều kiện dự án được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn và hàng năm, thời gian giải ngân vốn...