Impossible Burger làm từ các nguyên liệu thực vật gồm bột mì, khoai tây và dầu dừa. |
Startup Mỹ có tên Impossible Foods đang cố gắng thuyết phục khách hàng ăn món burger (bánh kẹp thịt) làm từ các nguyên liệu thực vật gồm bột mì, khoai tây và dầu dừa, hoàn toàn không chứa thịt.
Công ty này muốn mang món bánh kẹp với nhân làm từ các loại nguyên liệu tốt cho sức khỏe nhưng được chế biến đặc biệt để trông giống thịt. Sản phẩm nổi tiếng nhất của công ty là Impossible Burger, CNN cho biết.
Được thành lập vào năm 2011, startup này hiện đang cung cấp các sản phẩm không chứa thịt cho hơn 1.500 nhà hàng tại Mỹ. Tháng trước, công ty mở rộng sang Hồng Kông - thị trường nước ngoài đầu tiên. Năm ngoái, startup này đã mở cơ sở sản xuất quy mô lớn đầu tiên tại Oakland, bang California, Mỹ.
Impossible Foods là "đứa con tinh thần" của tiến sĩ Pat Brown - một nhà sinh-hóa học, người đã bắt đầu ý tưởng đầy tham vọng là tạo ra các sản phẩm làm từ thực vật mà mọi người sẽ yêu thích hơn so với thịt vào năm 2009.
"Đối với tôi động lực chính của việc này là những tác động lớn tới môi trường của việc ăn thịt", Brown nói. "Chúng tôi muốn cứu lấy hành tinh tuyệt vời này cho các thế hệ tương lai. Dù tin hay không, hành tinh đang phải chịu những tác động lớn do việc sử dụng thịt động vật và các công nghệ sản xuất thực phẩm của chúng ta".
Ông cho biết mức khí thải nhà kính của quá trình làm món bánh kẹp Impossible Burger thấp hơn 87% so với các sản phẩm thông thường làm từ thịt bò.
Brown, là người ăn chay, trước đây từng là giáo sư tại khoa hóa sinh tại trường Y tế Stanford. Sau nhiều năm thử nghiệm, ông cho biết đã phát minh được loại "thịt" làm từ thực vật vào năm 2011, đó là khi Impossible Foods ra đời.
Theo Brown, yếu tố quan trọng trong công thức của ông là phân tử được gọi là "heme", giúp mang lại vị thịt cho món ăn. Phân tử này được tìm thấy trong thịt nhưng ông đã phát minh ra phân tử tương tự phiên bản thực vật.
Dự án này của tiến sĩ Brown đã nhận được nhiều khoản đầu tư lớn. Đến nay, Impossible Foods đã huy động được hơn 400 triệu USD từ các nhà đầu tư trong đó có Google Ventures và tỷ phú Bill Gates - người đồng sáng lập Bill Gates.
Tuy nhiên, Impossible Foods chưa nhận được ủng hộ từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Cơ quan này bày tỏ quan ngại rằng phiên bản "heme" thực vật của Impossible Foods trước đây chưa từng được con người hấp thụ.
Tuy nhiên, Brown cho biết công ty sẵn sàng tình nguyện giới các dữ liệu an toàn cho FDA và "vô cùng tự tin rằng cơ quan này sẽ thấy chúng vô cùng thuyết phục".
"Chúng tôi không phải nhận được sự chấp thuận của FDA nhưng chúng tôi biết rằng đó sẽ là điều mà nhiều khách hàng quan tâm", tiến sĩ Brown nói.
Ông có mục tiêu dài hạn đầy tham vọng là sản phẩm của mình có thể "thay hoàn toàn cho thịt động vật như một công nghệ sản xuất thực phẩm vào năm 2035".
Theo hãng nghiên cứu MarketsandMarkets, thị trường thực phẩm thay thế thịt được dự báo sẽ tăng trưởng dần từ khoảng 4,6 tỷ USD lên 6,4 tỷ USD vào năm 2023.
Không chỉ có Impossible Foods, nhiều công ty cũng đang tìm cách thu hút khách hàng với các sản phẩm không làm từ thịt. Startup có tên Beyond Meat, cũng nhận được đầu tư từ tỷ phú Bill Gates, đang sản xuất thực phẩm thay thế thịt làm từ protein đậu xanh.
Ở châu Á, người sáng lập một chuỗi thực phẩm chay tại Hồng Kông cũng đang hy vọng sẽ thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc với sản phẩm có tên "omnipork" - món ăn thay thế thịt lợn làm từ đậu nành, đậu xanh, nấm và protein gạo.
Tiến sĩ Brown cho biết ông không yêu cầu mọi người "hi sinh những món ăn họ yêu thích". "Cách duy nhất để chúng tôi có thể thành công là làm ra những loại thực phẩm mà khách hàng yêu thích và lựa chọn thay thế cho những món ăn làm từ thịt động vật", ông nói.