S&P Global: Ngành sản xuất ASEAN tiếp tục chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất ASEAN vừa được S&P Global công bố, PMI ngành sản xuất ASEAN nằm trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ 22 liên tiếp trong tháng 7/2023. Tuy nhiên, với kết quả 50,8 điểm, giảm từ 51 điểm của tháng 6/2023 cho thấy mức cải thiện yếu nhất của "sức khỏe" ngành sản xuất của khu vực này kể từ tháng 12/2022.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Báo cáo của S&P Global nhận xét, ngành sản xuất ASEAN khởi đầu nửa cuối năm với việc chứng kiến sự giảm sút. Tình hình nhu cầu yếu đi khiến số lượng đơn đặt hàng và sản lượng tăng chậm hơn. Một điểm quan ngại là niềm tin kinh doanh trong tháng 7 giảm về mức thấp nhất trong 3 năm.

Dữ liệu PMI tháng 7 phản ánh bức tranh không đồng đều trong khu vực ASEAN khi chỉ 4/7 quốc gia có cải thiện về các điều kiện hoạt động. Thay thế Thái Lan, Indonesia vươn dẫn đầu bảng xếp hạng PMI lần đầu tiên trong 20 tháng, với kết quả 53,3 điểm. Ngành sản xuất của Philippines cũng có các điều kiện hoạt động cải thiện mạnh hơn trong tháng 7 với PMI đạt 51,9 điểm. Tiếp đó là Myanmar với kết quả chỉ số PMI toàn phần đạt 51,1 điểm. Thái Lan là quốc gia cuối cùng ghi nhận PMI tháng 7 trên ngưỡng 50 điểm (50,7 điểm).

Các quốc gia có các điều kiện hoạt động suy giảm là Việt Nam (48,7 điểm), Singapore (48,5 điểm) và Malaysia (47,8 điểm).

Theo S&P Global, dữ liệu tháng 7 cho thấy động lực tăng trưởng nói chung đã giảm trong ngành sản xuất ASEAN. Số lượng đơn đặt hàng tăng chậm lại trong tháng, trong khi sản lượng tăng ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Báo cáo của S&P Global cũng cho biết, với Chỉ số "Đơn đặt hàng xuất khẩu mới" phản ánh tốc độ sụt giảm mạnh nhất trong nhu cầu hàng hoá của ASEAN trên thị trường quốc tế, các thị trường trong nước sẽ giữ vai trò chủ chốt trong việc duy trì tăng trưởng ngành sản xuất của khu vực.

Sản lượng tăng chậm hơn đã khiến hoạt động mua hàng hóa đầu vào tiếp tục chậm lại. Đồng thời, tồn kho hàng hóa trước sản xuất đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 tháng. Tuy nhiên, tồn kho hàng thành phẩm ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp với tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 10/2021.

Bình luận về dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN, Maryam Baluch - Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết: "Dữ liệu chỉ số PMI tháng 7 cho thấy ngành sản xuất ASEAN tiếp tục chậm lại. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng yếu hơn so với tháng 6. Hơn nữa, dữ liệu cũng cho thấy, tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy nhờ thị trường trong nước khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm với tốc độ nhanh hơn".

Theo bà Maryam Baluch, triển vọng về sản lượng có vẻ "u ám" khi Chỉ số "Sản lượng tương lai" giảm về mức thấp trong 3 năm. Những bất ổn kéo dài trên thị trường toàn cầu, sự phục hồi chậm chạp sau Covid-19 ở Trung Quốc và nhu cầu trong nước tương đối yếu đã tác động lên tâm lý kinh doanh.

Chuyên đề