Sớm xây dựng các kịch bản vực dậy nền kinh tế

(BĐT) - Cuối tuần qua, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, các trưởng ngành đã khẳng định cam kết mạnh mẽ triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19. 
Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, kéo lùi tốc độ tăng trưởng. Ảnh: Đông Giang
Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, kéo lùi tốc độ tăng trưởng. Ảnh: Đông Giang

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng ngay kịch bản phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch. Các giải pháp kép được Chính phủ thực hiện với một quyết tâm rất cao, “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”.

Tổng lực thực thi các chính sách hỗ trợ

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển. Các “mặt trận” chống dịch được huy động tổng lực, với các gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực: gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Ngoài ra, số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết bảo đảm nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công. Đồng thời, cho biết Bộ đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát để tiếp tục thực hiện cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định, trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng, chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn. Ngành ngân hàng cũng như NHNN hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá để bảo đảm củng cố được niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. NHNN cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết, liên quan đến các diễn biến bất lợi. “Với dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Với gói hỗ trợ trực tiếp cho 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 vừa được Chính phủ ban hành, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cam kết ban hành sớm hướng dẫn về quy trình, thủ tục, tổ chức triển khai nhanh, bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời, không để xảy ra trục lợi chính sách, bớt xén tiền hỗ trợ của người dân.

Lãnh đạo các địa phương kỳ vọng rằng, những giải pháp của Chính phủ nếu được triển khai nhanh, kịp thời, sẽ phát huy hiệu quả, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua được khó khăn trước mắt.

Xây dựng kịch bản, chủ động giải pháp

Song song với giải pháp tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, càng chuẩn bị sớm các điều kiện phục hồi thì sẽ càng nắm bắt được cơ hội để thay đổi và phát triển theo xu hướng chung là tập trung vào thị trường trong nước trước để tạo lực rồi mới vươn ra thị trường nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các trật tự và mối quan hệ về đầu tư, thương mại, đối ngoại song phương, đa phương, vai trò, vị trí của các quốc gia trên trường quốc tế có nhiều thay đổi, khoảng cách phát triển có khả năng được sắp xếp lại và hình thành xuất phát điểm mới trong tiến trình phát triển của từng quốc gia. Dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch, sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi. Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Song song với đó cần hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc, để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới, đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. “Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhận định.

Tại Hội nghị cuối tuần qua, Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần này. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này. “Nhiệm vụ là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, sớm khống chế được dịch bệnh, đồng thời phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyên đề