Sôi động phát hành trái phiếu doanh nghiệp

(BĐT) - Các yếu tố vĩ mô ổn định và sự thăng hoa của thị trường chứng khoán đang có những tác động tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm và dòng tiền dồi dào từ các nhà đầu tư là cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng để huy động vốn từ phát hành TPDN.
Thị trường chứng khoán sôi động khiến cho trái phiếu chuyển đổi hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: Đức Cường
Thị trường chứng khoán sôi động khiến cho trái phiếu chuyển đổi hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: Đức Cường

Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu

Thị trường TPDN đầu năm 2018 khá sôi động, đặc biệt là nhóm công ty chứng khoán. Việc phát hành trái phiếu chủ yếu phục vụ hoạt động cho vay ký quỹ chứng khoán với kỳ hạn 1 - 2 năm.

Cụ thể, Chứng khoán SHS đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đợt 1 vào tháng 2 vừa qua và dự định sẽ tiếp tục phát hành thêm tối đa 650 tỷ đồng trong quý II/2018. Chứng khoán MB (MBS) dự kiến phát hành tối đa 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi vào ngày 28/3, tuy nhiên đến thời điểm này chưa thấy công bố những diễn biến mới trong việc phát hành này. Ngày 15/1, HĐTV Chứng khoán ACB thông qua phương án phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu thường, không có tài sản bảo đảm với kỳ hạn 1 năm (lãi suất do Hội đồng Quản lý tài sản nợ và tài sản có quyết định linh hoạt trong từng thời kỳ)…

Ngày 9/2, Chứng khoán SSI đã phát hành thành công riêng lẻ 1.150 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn 3 năm với lãi suất phát hành 4%/năm. Bổ sung nguồn cho vay ký quỹ từ kênh trái phiếu giúp các công ty chứng khoán chủ động về nguồn vốn hơn, không phải phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, từ đó có thêm lợi thế trong việc thu hút khách hàng.

Các công ty đại chúng niêm yết trên sàn cũng đang đẩy mạnh việc thu hút vốn thông qua phát hành TPDN. Đầu tiên phải kể đến “ông lớn” Novaland với kế hoạch phát hành 300 triệu USD (6.825 tỷ đồng) trái phiếu chuyển đổi. Giá chuyển đổi từ mức ấn định “tối thiểu 50.000 đồng/cổ phần và sẽ được điều chỉnh theo các sự kiện pha loãng của công ty bảo đảm lợi ích của Công ty và nhà đầu tư” thành mức linh hoạt là “do HĐQT quyết định theo phương án phát hành”.

Các công ty có quy mô nhỏ hơn như: Bamboo Capital thông qua phương án phát hành 280 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 3 năm vào ngày 12/3; Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Thiết bị Bưu điện thông qua phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền kỳ hạn 3 năm, lãi suất thỏa thuận theo thị trường...

Phát hành trái phiếu thành công sẽ giúp các doanh nghiệp có được nhiều lợi ích như: Cổ phiếu không bị pha loãng, chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) không bị ảnh hưởng, trong khi lại có thêm nguồn vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng hơn khi huy động vốn từ ngân hàng.

Nếu chiếu theo mức lãi suất đợt phát hành sắp tới của SHS thì lãi suất TPDN cao hơn 200 điểm so với lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng của bốn ngân hàng thương mại quốc doanh (6,67%). 

Sẽ tiếp tục sôi động?

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế của Công ty CP Chứng khoán MB nhận xét, đây là thời điểm thích hợp để phát hành TPDN. Về trái phiếu không chuyển đổi, ngoài vấn đề quan trọng là mặt bằng lãi suất giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay đang dồi dào, cả tiền trong ngân hàng, tiền trong dân và các tổ chức tài chính, thì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt, lạm phát ở mức vừa phải cộng thêm các yếu tố liên quan đến tỷ giá ổn định làm giảm yếu tố rủi ro. Điều này khiến cho lợi suất TPDN huy động thấp.

Còn trên phương diện trái phiếu chuyển đổi, ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô tốt thì thị trường chứng khoán sôi động khiến cho mặt bằng giá cổ phiếu doanh nghiệp có nhu cầu phát hành tăng vốn đều ở mức cao. Nhờ đó, trái phiếu chuyển đổi sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể huy động được vốn với chi phí rẻ hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn phát hành tăng vốn kể cả cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi thì đây đang là thời điểm tốt.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, thị trường TPDN thứ cấp tương đối nhỏ, thanh khoản yếu, mặc dù trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực hơn. Đây là một trong những hạn chế khiến kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.

Chuyên đề