Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận khiến nhiều nhà thầu cung ứng thuốc bị ảnh hưởng. Ảnh: Lê Tiên |
Trước đó, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận là một trong hai đơn vị gửi báo cáo tới Bộ Y tế về tình hình vi phạm của nhà thầu trong quá trình đấu thầu, cung ứng cho các gói thầu mua thuốc năm 2018.
Tại báo cáo này, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, có 22 lượt nhà thầu có hành vi vi phạm.
Trong đó, 7 nhà thầu cung cấp gián đoạn như: Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Linezolid 20mg/100ml), Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Duy Anh (Nebivolol 5mg), Công ty CP Dược phẩm Việt Hà (Rosuvastatin 10mg), Công ty TNHH Dược phẩm Vimedimex (Entercavir 0,5mg)... 4 nhà thầu không cung cấp là Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị y tế Hoàng Đức (Rabeprazol 20mg), Công ty TNHH Dược phẩm Tự Đức (NESO 500mg/20mg), Công ty CP Dược Pha Nam (Hydroxypropylmethy Icellulose 3mg/ml), Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (Atracurium besylat 25mg/2,5ml). Ngoài ra còn có 4 nhà thầu không tiến hành ký kết hợp đồng, 2 nhà thầu đứt hàng, không cung ứng.
Riêng Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương, nhà thầu này vừa có hành vi không ký hợp đồng cung cấp thuốc Bromhexin Natri hyaluronat Simvastatin (số đăng ký VN-19552-16, VN-19738-16, VN-19066-15), vừa không cung ứng thuốc Salbutamol (sulfat) 100mcg/liều, số đăng ký VN-16442-13.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, bà Phạm Thị Bích Lệ cho biết, kết quả báo cáo nêu trên là quá nóng vội, chưa phản ánh đúng thực tế. Nguyên nhân là do Sở dựa vào thông tin tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở y tế mà chưa kiểm tra lại.
Sau khi kiểm chứng thông tin báo cáo, bà Lệ cho biết, trong quá trình thực hiện, các bên đã không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, nên thông tin liên lạc không được thông suốt, nhất là đối với những nhà thầu mới lần đầu trúng thầu. Một số nhà thầu đã phản ánh rằng họ không có thông tin đầu mối để liên hệ, hoặc gặp vướng mắc trong thủ tục ký hợp đồng do cơ sở y tế không đủ hồ sơ pháp lý (bị thất lạc quyết định thành lập đơn vị...).
Mặt khác, trong những năm gần đây, công tác phòng bệnh được kiểm soát tốt nên dịch bệnh thuyên giảm, do đó nhu cầu thuốc đặc trị dự trữ cũng thay đổi. Tuy nhiên, các nhà thầu không được thông tin kịp thời nên không chủ động được nguồn cung.
Trong khi đó, cơ sở y tế không cung cấp thông tin đầy đủ cho các nhà thầu, và cũng không báo cáo rõ tình hình thực hiện kết quả trúng thầu với Sở Y tế. Đến khi gửi báo cáo cho Sở, cơ sở y tế lại đổ hết lỗi cho nhà thầu.
Ngoài ra, theo bà Lệ, trong quá trình cung ứng thuốc trúng thầu, một số nhà thầu đã gặp một số yếu tố khách quan như thủ tục nhập khẩu, nguồn nguyên liệu... làm chậm tiến độ cung ứng thuốc.
Sau khi báo cáo được Bộ Y tế công bố, bà Lệ cho biết, Sở đã nhận được rất nhiều phản ứng, kiến nghị của các nhà thầu, bởi vì họ phải chịu ảnh hưởng lớn về uy tín. Trong khi đó, Ninh Thuận là một địa bàn khó khăn, có ít nhà thầu cung cấp thuốc quan tâm. Do đó, để cân nhắc hài hòa giữa đôi bên và tình hình thực tế của địa phương, Sở Y tế Ninh Thuận đã xem xét và rút lại nội dung đã báo cáo.