Tòa nhà của ZTE tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh:Reuters |
Số phận của đại gia công nghệ Trung Quốc đang là nút thắt lớn trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Washington tháng trước cấm tất cả công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm, để trừng phạt việc công ty này lách lệnh cấm vận, bán hàng Mỹ sang Iran. ZTE hiện có 75.000 nhân viên trên toàn cầu. Tuần trước, họ cho biết nửa hoạt động kinh doanh đã bị đóng băng vì lệnh cấm này.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ - Donald Trump có vẻ đồng ý ném phao cứu sinh cho ZTE, qua dòng tweet cuối tuần trước, với lý do “quá nhiều việc làm của người Trung Quốc” bị ảnh hưởng. Bộ Thương mại Mỹ cũng được chỉ đạo đưa ZTE hoạt động trở lại.
Động thái của ông Trump được Trung Quốc khá hoan nghênh. Đây được coi là bước ngoặt đột ngột về quan điểm, đặt nền tảng tích cực ngay trước thềm các cuộc gặp về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tuần này. “Nếu chính quyền ông Trump hạ giọng và lùi lại, kết quả cuộc đàm phán lần hai sẽ mang tính xây dựng hơn”, Ken Cheung - chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Bank nhận xét.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho biết Phó thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán làm việc tại Washington từ hôm nay đến thứ Bảy. Thông báo của Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi ông Trump cho biết trên Twitter rằng đang làm việc với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình để đưa hãng viễn thông ZTE “quay lại hoạt động”.
“Tôi cho rằng ông Lưu sẽ cố thuyết phục Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin - người muốn đạt thỏa thuận nhất”, Richard McGregor - cố vấn cấp cao tại Lowy Institute nhận định. Giới quan sát cho rằng lần này, Trung Quốc chào mời để tăng mở cửa thị trường với các công ty Mỹ.
Hai nước gần đây liên tiếp đe dọa áp thuế nhập khẩu lên hàng chục tỷ USD hàng hóa của nhau, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại. Các cuộc nói chuyện đầu tháng này tại Bắc Kinh được đánh giá có tiến triển, nhưng chưa đạt kết quả đột phá.
Các thách thức thể hiện ở danh sách yêu cầu mà đoàn Mỹ được cho là đã gửi đến Trung Quốc trước vòng đàm phán đầu tiên. Trong đó có giảm thâm hụt thương mại thêm 200 tỷ USD và Trung Quốc phải ngừng hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao.
McGregor cho rằng ông Lưu khó có khả năng nhượng bộ lớn về thâm hụt thương mại. Thay vào đó, ông sẽ tập trung vào các biện pháp giúp tăng mở cửa thị trường Trung Quốc với Mỹ.
Trong thời gian ông Lưu Hạc ở Washington, nhiều công ty lớn khác của Mỹ cũng sẽ bày tỏ quan điểm của mình tại các cuộc điều trần về kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc của ông Trump. Những cái tên nổi bật là Best Buy, HP, US Steel. Nhiều nhóm vận động hành lang khác cũng tham gia, như Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ hay Hiệp hội Các nhà Sản xuất Quốc gia Mỹ.
Mỹ đã công bố danh sách 1.300 mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc mà họ muốn áp thuế 25%. Rất nhiều trong số đó thuộc ngành sản xuất công nghệ cao, như hàng không vũ trụ. Hàng loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ đã phản đối kế hoạch này, do lo ngại chi phí với người tiêu dùng Mỹ tăng lên và Trung Quốc sẽ trả đũa.