Một dự án thua lỗ của Vinachem. Ảnh minh họa |
Phương án sản xuất kinh doanh 3 năm (2018-2020) được Vinachem trình Ban chỉ đạo Chính phủ cho thấy ngay từ đầu năm 2018, việc khắc phục và xử lý khó khăn tại 4 dự án thua lỗ đã tiếp tục được đẩy mạnh.
4 đơn vị gồm Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP – Vinachem và Công ty CP DAP số 2 Vinachem được cho là đã khắc phục được một số khó khăn, đẩy mạnh công tác quản trị doanh nghiệp, bước đầu ổn định và nâng cao sản lượng sản xuất.
Vinachem cho hay, dù một số chính sách đề xuất liên quan đến việc tiếp cận và huy động vốn lưu động gặp nhiều khó khăn vẫn chưa được giải quyết nhưng 4 đơn vị kể trên vẫn bám sát kế hoạch đặt ra, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối tốt. Trong đó, Đạm Hà Bắc và DAP2 đã giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ, công ty DAP1 đã có lãi tương đối cao.
Tuy nhiên, riêng Đạm Ninh Bình kết quả sản xuất kinh doanh vẫn còn khá bê bết. 6 tháng đầu năm, số lỗ từ dự án này tăng 45,38 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân lỗ của 6 tháng đầu năm chủ yếu là doanh thu không đủ bù chi phí phát sinh trong kỳ như khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay, chênh lệch tỷ giá…
Ngoài ra còn các nguyên nhân chủ quan như quỹ thời gian chạy máy ngắn, số lần dừng chạy máy do sự cố nhiều làm tăng định mức tiêu hao với số tiền lên tới 37 tỷ đồng.
Ngoài ra theo Vinachem, số lỗ 6 tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ năm 2017 do có phát sinh một số khoản mục chi phí làm twang hơn 87 tỷ đồng so với thực hiện năm 2017. Nếu ngoài trừ các nguyên nhân làm tăng chi phí kể trên thì 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái là giảm lỗ tới gần 32 tỷ đồng.
Khác với tình cảnh ảm đạm tại Đạm Ninh Bình, dự án DAP-Vinachem ghi nhận tín hiệu khả quan hơn. 6 tháng đầu năm 2018 số lỗ giảm so với cùng kỳ năm 2017 vào khoảng 150 tỷ đồng. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tại dự án ghi nhận con số tăng tới 123,61 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.
Đối với dự án DAP số 2 – Vinachem, báo cáo mới nhất của Vinachem cho hay 6 tháng đầu năm, số lỗ từ nhà máy đã giảm tới 250 tỷ đồng so với cùng thời điểm năm 2017. Dù vậy, số lỗ này vẫn cao hơn so với dự tính ban đầu bởi giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành tiêu thụ, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.
Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ, Vinachem đề nghị đưa Công ty CP DAP-Vinachem ra khỏi danh sách 12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Bên cạnh đó, Tập đoàn này đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Luật theo hướng chuyển phân bón sang danh mục, mặt hàng chịu thuế VAT, đồng thời điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên từ mức 0% lên 10%.
Ngoài ra, Vinachem cũng đề nghị được kém dài thời gian trữ tồn bã thảo thạch PG từ 2 năm lên thành 5 năm. Cùng với đó, Vinachem đề nghị cho phép 4 đơn vị kể trên được áp dụng chơ chế phân loại nợ đặc thù, được xếp hạng tín dụng từ nhóm I từ năm 2018 đến hết năm 2020 cùng với việc điều chỉnh lãi suất vay 3% mỗi năm cho giai đoạn 2018-2020 và từ năm 2023 trở đi thì áp dụng lãi suất 8.5% so với mức 8,55% hiện nay.
Vinachem cho rằng để cứu 4 dự án kể trên, Nhà nước cũng cần xem xét chính sách hoãn, giãn nợ đối với các khoản vay đến hạn năm 2018, ưu tiên trả nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, đồng thời giảm lãi suất vay về mức lãi ưu đãi cao nhất, lãi suất thấp nhất…