Tuy nhiên, tỷ lệ hộ siêu giàu ở Nhật Bản vẫn còn thấp hơn so với ở các nền kinh tế phát triển khác - Ảnh: Reuters. |
Số hộ gia đình siêu giàu ở Nhật Bản đã tăng khoảng gấp đôi trong thời gian từ năm 2011 đến nay, đạt mức cao chưa từng thấy, nhờ giá cổ phiếu tăng và nền kinh tế tăng trưởng - Bloomberg đưa tin.
Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy tầng lớp giàu có của Nhật Bản đã hưởng lợi nhiều từ Abenomics - chính sách chấn hưng tăng trưởng kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi.
Bloomberg dẫn dữ liệu từ Viện nghiên cứu Nomura cho thấy số hộ gia đình ở Nhật có tài sản tài chính ròng từ 400 triệu Yên, tương đương 4,4 triệu USD, đã đạt con số 84.000 hộ trong năm 2017. Điều này đồng nghĩa với việc số hộ siêu giàu hiện chiếm 0,16% tổng số hộ gia đình ở Nhật Bản.
Số liệu trên có thể làm gia tăng những lời chỉ trích cho rằng chính sách kinh tế của ông Abe chủ yếu giúp cho người giàu càng giàu thêm, khiến phần đông dân số Nhật Bản có những cái nhìn trái chiều về chính quyền hiện nay.
Mặc dù vậy, theo Bloomberg, tỷ lệ hộ siêu giàu ở Nhật Bản vẫn còn thấp hơn so với ở các nền kinh tế phát triển khác. Ngoài ra, tỷ lệ hộ siêu giàu của đất nước mặt trời mọc có thể không giữ được tốc độ tăng như mấy năm trước trong năm 2018 này, khi mà thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm và chứng khoán Nhật đã rớt về mức thấp nhất trong 18 tháng.
Được áp dụng gần từ cuối năm 2012, Abenomics bao gồm 3 "mũi tên" là chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh tay, chính sách tài khóa linh hoạt, và một chiến lược tăng trưởng trong đó thúc đẩy đầu tư.
Trong khoảng thời gian đó, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng khá vững vàng, vơi tốc độ trung bình khoảng 1,5% mỗi năm, và tỷ lệ thất nghiệp giảm khoảng một nửa.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát của Nhật vẫn ở mức thấp, dưới 1%, chỉ chưa đầy một nửa so với mục tiêu 2%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Nhật gần như không thay đổi.