Siêu pháo hạt nhân tự hành yểu mệnh của Liên Xô

Siêu pháo tự hành Object 271 có thể bắn đạn hạt nhân nhưng không được biên chế, trước khi dự án bị chấm dứt sau gần 10 năm phát triển thử nghiệm.

Pháo hạt nhân Object 271 tham gia duyệt binh

Trong giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô tập trung chạy đua chế tạo pháo hạt nhân. Năm 1953, Mỹ cho ra đời pháo nguyên tử M65 mang tên Annie cỡ nòng 280 mm, khiến lãnh đạo Liên Xô quyết tâm chế tạo một siêu pháo hạt nhân lớn hơn, theo Jalopnik.

Kết quả là nguyên mẫu pháo hạt nhân tự hành Object 271, hay còn gọi là 2A3 Kondensator 2P, ra đời từ năm 1954, với nhiệm vụ phá hủy cơ sở công nghiệp và mục tiêu quân sự đối phương từ khoảng cách hơn 25 km. 

Nòng pháo thực nghiệm SM-E124 cỡ nòng 406 mm được Cục Thiết kế Grabin chế tạo năm 1955. Nó sử dụng đầu đạn nặng 470-570 kg, tốc độ bắn 1 viên/5 phút, sơ tốc đầu nòng 716 m/s, tầm bắn 25,6 km.

Khẩu pháo có cỡ nòng lớn hơn nhiều so với khẩu Annie của Mỹ, do Liên Xô không thể chế tạo đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn. Với vũ khí lớn như vậy, Liên Xô chỉ có thể sử dụng khung gầm xe tăng T-10M, trang bị hệ thống đệm và bộ giảm chấn thủy lực.

Khung gầm tăng T-10 gia cố được Cục Thiết kế Kotlin chế tạo ngay sau đó, trang bị động cơ diesel V12 39 lít, công suất 700-750 mã lực, đạt vận tốc tối đa 30 km/h.

Đến năm 1956, hai hệ thống này được kết hợp, trở thành pháo hạt nhân tự hành Object 271. Khi được thử nghiệm trong giai đoạn 1957-1959, nhiều chuyên gia thể tin rằng hệ thống tự hành này sẽ bị phá hủy ngay khi khai hỏa, nhưng nó đã vượt qua toàn bộ các bài thử nghiệm.

Pháo 2A3 Kondensator 2P duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Ảnh:Jalopnik.

Dù vậy, độ giật khi bắn quá lớn khiến cả hệ thống pháo bị giật về sau vài mét sau mỗi phát đạn. Puli đệm là bộ phận đầu tiên bị bung ra, sau đó là hộp số và trang bị khác, buộc các kỹ sư Liên Xô phải thường xuyên kiểm tra hệ thống sau mỗi lần bắn. 

Vũ khí này sau đó được nâng cấp, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến hơn, giúp tăng độ tin cậy nhưng vẫn không thể ngăn tình trạng xe giật lùi khi khai hỏa. Ngoài ra, khẩu pháo còn có nhược điểm là góc bắn theo phương ngang của nó quá nhỏ và chỉ có thể nạp đạn theo phương thẳng đứng.

Điểm mạnh của Object 271 là khả năng cơ động tuyệt vời. Nó có thể di chuyển trên đường phố hẹp ở thị trấn và làng mạc, qua cầu và đường dây điện. Sau mỗi lần thử nghiệm, các lỗi phát hiện đều được khắc phục.

Khi Liên Xô đưa loại khẩu pháo hạt nhân này tham gia duyệt binh ở Moscow năm 1957, nhiều nhà quan sát phương Tây nhận định đó chỉ là một mô hình để răn đe đối phương.

Tuy nhiên, pháo hạt nhân Object 271 lại là thứ vũ khí yểu mệnh. Sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, 4 khẩu pháo được bàn giao cho lực lượng dự bị của Bộ Tư lệnh Pháo binh. Đến giữa thập niên 1960, Liên Xô thay đổi học thuyết quân sự, từ bỏ các hệ thống pháo và xe tăng siêu nặng để tập trung phát triển các loại tên lửa hiệu quả hơn.

Dự án pháo tự hành 2A3 Kondensator 2P chấm dứt với 4 nguyên mẫu được chế tạo. Ngày nay, chỉ còn hai khẩu được trưng bày ở Bảo tàng Các lực lượng vũ trang trung tâm ở Moscow và Bảo tàng pháo binh ở Saint Petersburg.

Chuyên đề