Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của các bộ, địa phương phân hóa mạnh bộc lộ yếu tố thực thi ảnh hưởng tới hiệu quả giải ngân. Ảnh: Lê Tiên |
Tỷ lệ giải ngân phân hóa mạnh bộc lộ yếu tố thực thi ảnh hưởng tới hiệu quả giải ngân. Vấn đề siết kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả công vụ trong đầu tư công cần được đề cao để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.
Các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao như Tiền Giang (33,36%), Bến Tre (30,37%), Đồng Tháp (24,67%)... cũng là các địa phương duy trì được tốc độ giải ngân ổn định trong vài năm trở lại đây. Các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân thấp như TP.HCM (0,89%), Gia Lai (2,52%), Sơn La (4,52%), Bình Dương (7,82%)… thường chật vật với việc chi tiêu vốn đầu tư công nhiều năm nay.
Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân được Bộ Tài chính chỉ ra là do các bộ, ngành, địa phương mới giao xong chi tiết vốn kế hoạch cho các dự án nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và tập trung thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Từ đánh giá này, có thể thấy tiến độ giải quyết các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án chưa như kỳ vọng do chất lượng giải quyết công vụ của công chức hữu trách trong bộ máy quản lý nhà nước.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển, phục hồi kinh tế của Tỉnh nên ở những thời khắc khó khăn vừa qua, Đồng Tháp quyết liệt gỡ các lực cản. Theo đó, các đơn vị và địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. UBND Tỉnh phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án, giao ban định kỳ hằng tuần nhằm tháo gỡ khó khăn; cụ thể hóa trách nhiệm từng đơn vị, địa phương, đặc biệt là vai trò người đứng đầu các chủ đầu tư trong công tác đầu tư xây dựng, nhất là giải phóng mặt bằng.
Với những vướng mắc vượt tầm, Đồng Tháp mạnh dạn kiến nghị tới các bộ, ngành Trung ương theo hướng nâng cao sự chủ động và trách nhiệm của địa phương đối với kế hoạch đầu tư công. Đơn cử, Tỉnh kiến nghị Trung ương phân cấp, ủy quyền cho địa phương được điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư và vốn bố trí giữa các dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương theo quy định, đảm bảo không vượt tổng vốn kế hoạch trung hạn. Hay kiến nghị xem xét, điều chỉnh thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm từ trước ngày 15/11 năm kế hoạch thành trước ngày 15/1 năm sau. Năm 2022, Đồng Tháp giải ngân đạt 89% kế hoạch và năm 2023 đặt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch. Trong cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND Tỉnh tiếp tục nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công gắn liền trách nhiệm người đứng đầu.
Việc nguồn vốn đầu tư công ứ đọng, không tiêu được, trong khi nhiều công trình trọng điểm ngưng trệ, “đắp chiếu” gây bức xúc trong dư luận. Thực tiễn tại nhiều tỉnh, thành khu vực Nam Bộ như TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương…, không ít dự án hạ tầng trọng điểm ngưng trệ, đầu tư dở dang gây lãng phí rất lớn. Nguyên nhân chính là chất lượng thủ tục chuẩn bị đầu tư, thủ tục thực hiện dự án chưa đạt, dẫn tới triển khai trong thực tế nảy sinh nhiều vướng mắc, phải họp tới, họp lui để tháo gỡ. Trong khi đó, tính chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, chủ đầu tư chưa cao, cộng thêm tâm lý sợ sai trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý còn khoảng trống và chồng chéo.
Áp lực giải ngân đầu tư công năm 2023 rất lớn. Để đạt mục tiêu đề ra, ngoài việc tháo gỡ vướng mắc cốt yếu, các địa phương cần tiếp tục siết kỷ cương công vụ, không để xảy ra tình trạng trên quyết liệt, nhưng dưới nguội lạnh và bất tòng tâm.
Là địa phương chịu nhiều áp lực giải ngân, TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, trong đó đưa ra một số giải pháp mới kèm theo chế tài xử lý khi các đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nếu chỉ đạt dưới 90% do lỗi chủ quan thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan. Về chế tài, những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực trong quản lý đầu tư công, làm trì trệ tiến độ sẽ bị thay thế và có chế tài xử lý nghiêm khắc.
Một địa phương khác tại Đông Nam Bộ là Bình Dương ngay từ đầu năm 2023 đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công. Một trong các giải pháp là đề cao vai trò người đứng đầu, tăng cường kỷ cương công vụ trong giải ngân đầu tư công. Theo đó, lãnh đạo và người hữu trách không đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ xem xét hạ bậc thi đua và thay thế nếu thiếu năng lực.