Nhiều ý kiến cho rằng, các gói thầu chỉ nên sử dụng hàng nhập khẩu khi trong nước không thể sản xuất được. Ảnh Trung Hiếu |
Các dự án, gói thầu chỉ sử dụng hàng nhập khẩu khi trong nước không thể sản xuất được.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Hiếu, để hàng hoá Việt Nam được sử dụng nhiều hơn trong các dự án mua sắm công, các doanh nghiệp phải tính tới chiến lược sản xuất, bán hàng dài hạn, hàng hoá phải đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, trước sức ép bảo hộ sản xuất từ nhiều nước, chính sách tín dụng cũng phải hiệu quả hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao sức cạnh tranh.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để đảm bảo việc sử dụng hàng Việt trong mua sắm công, cần phải có quy định rõ ràng thế nào là hàng Việt. Quy định cần nêu rõ với tiêu chí, tỷ lệ nội địa hoá ra sao thì loại hàng hóa đó được ưu tiên sử dụng trong các dự án dùng vốn nhà nước.
Về vấn đề này, Dự thảo Kế hoạch triển khai hoạt động năm 2017 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trong sử dụng hàng hoá nội địa khi thực hiện mua sắm công; khuyến khích các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất, kinh doanh. Dự thảo Kế hoạch này cũng kiến nghị Chính phủ có biện pháp quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu, đặc biệt là các hàng nhập khẩu có biểu hiện chống bán phá giá; xử lý nghiêm các trường hợp làm hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.