Sẽ xem xét, tổ chức đấu giá lại băng tần C3 (3800 - 3900 MHz) cho 5G

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại băng tần 3800 - 3900 MHz cho 5G vào thời điểm thích hợp. Giá khởi điểm khối băng tần này sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá.
Bộ TT&TT sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần 3800 – 3900 MHz. Ảnh minh họa
Bộ TT&TT sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần 3800 – 3900 MHz. Ảnh minh họa

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 52, Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, ngày 14/3, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia đã ra thông báo không tổ chức đấu giá tần số 3800 - 3900 MHz vì không đủ số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định.

Cụ thể, đến hết thời hạn nộp hồ sơ, có 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá; đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, sau cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 3700 - 3800 MHz, Bộ sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần 3800 - 3900 MHz. Giá khởi điểm khối băng tần C3 sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá.

Theo quy định về đấu giá, mức giá khởi điểm khối băng tần 3800 - 3900 MHz sẽ tham chiếu từ cuộc đấu giá đối với khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) mà VNPT vừa trúng đấu giá.

Trước đó, ngày 19/3, VNPT thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) phục vụ cho chiến lược phát triển mạng 5G trên cả nước trong thời gian tới.

Với VNPT, việc trúng đấu giá khối băng tần C2 có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G tốc độ cao tại Việt Nam.

Ngày 8/3, Viettel thông báo chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 - 2600 MHz trong vòng 15 năm tới.

Đại diện Viettel cho biết, băng tần 2500 - 2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhà mạng này, bởi đây là băng tần hiệu quả để triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz).

Chuyên đề