SCIC đã rút 1.000 tỷ đồng sau 2 năm rót vào dự án gang thép “đắp chiếu”

Hiện SCIC không còn là cổ đông lớn của TISCO sau gần chục năm góp vốn vào dự án này. Sau khi SCIC rút vốn, có thể TISCO sẽ tiếp tục có phương án phát hành để nâng vốn điều lệ.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Ngày 28/4 thông tin trên HNX cho biết, SCIC đã bán đi toàn bộ 100 triệu cổ phiếu TIS, tương ứng với tỷ lệ vốn góp 35,21%. Giao dịch được thực hiện vào ngày 25/4 vừa qua. Với việc thực hiện giao dịch này, SCIC không còn là cổ đông lớn của TISCO.

Khoản tiền 1.000 tỷ đồng này được SCIC rót vốn vào TISCO khi doanh nghiệp này phát riêng lẻ 100 triệu cổ phần để huy động vốn cho dự án đầu tư mở rộng Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2). Giá phát hành khi đó là 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thời điểm đó TIS chỉ có giá 4.000 đồng/cổ phiếu.

Mục đích phát hành tăng vốn để thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án cải tạo mở rộng giai đoạn 2. Tuy nhiên, dự án cải tạo mở rộng giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007 nhưng đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31/12/2016 là 4.635,5 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.435,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của TISCO, 1.000 tỷ đồng này của SCIC được gửi ngân hàng Vietcombank với lãi suất 5,3% - 5,5%/năm.

Báo cáo mới đây của TISCO cho biết, liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, tổng số vốn giải ngân cho dự án là hơn 4.563 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là hơn 1.404 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinNank) hơn 1.869 tỷ đồng, phía chủ đầu tư hơn 1.290 tỷ đồng.

Thông tin với cổ đông trong ĐHĐCĐ mới đây của TISCO, lãnh đạo TISCO cho biết, sau khi SCIC rút vốn, có thể TIS sẽ tiếp tục có phương án phát hành để nâng vốn điều lệ. Công ty sẽ lên kế hoạch cơ cấu thêm cổ đông mới trong tương lai.

Mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cũng tiết lộ, Bộ Công Thương đang làm việc với các đơn vị thẩm định, sau khi có kết quả định giá mới có phương án chính xác để xử lý dự án ngàn tỷ đắp chiếu này. Theo đó, có một số nhà đầu tư đã ngỏ lời mua, trong đó có Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng trả giá 1.500 tỷ đồng.

“Quan điểm của Chính phủ là không đổ thêm tiền vào dự án nhưng có thể có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân”, ông Hoài nói và tiết lộ có 3 nhà đầu tư đã ngỏ ý hỏi mua lại Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ngoài Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng, hai đơn vị còn lại, ông Hoài chưa muốn tiết lộ nhưng cho rằng dự án "không ế" như mọi người nghĩ.

Trong phương án xử lý 12 đại dự án thua lỗ, yếu kém mới công bố, Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án được xem xét để xử lý đối với dự án, bao gồm: Phương án 1: Bán Dự án; Phương án 2: Kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án và Phương án 3: Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu TISCO.

Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi…, đề xuất lựa chọn Phương án 3 là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO.

Chuyên đề