Chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam lộ nhiều góc khuất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. |
Tại cuộc họp về rà soát cổ phần hóa, doanh nghiệp Nhà nước mới đây, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận, khi phê duyệt phương án cổ phần hóa trước đây đã không rà soát kỹ nên có tình trạng doanh Nhà nước nghiệp kinh doanh, sử dụng đất đai không đúng mục đích.
Nhắc lại chuyện lùm xùm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) liên quan tới sắp xếp lại danh mục và quyền sử dụng đất trước cổ phần hóa, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, theo quy hoạch trung tâm Ba Đình thì khu đất của hãng phim sẽ xây dựng công trình công cộng, đường giao thông và một phần của trường Chu Văn An. “Theo đúng quy hoạch thì chắc chắn phải thu hồi khu đất này”, ông Toản nói.
Đại diện Bộ Tài chính - ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp cũng từng cho rằng, câu chuyện cổ phần hóa tại VFS là một sự kiện "phơi bày nhiều góc khuất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước", từ những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá doanh nghiệp. Tháng 10/2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam và định giá lại thương hiệu hãng phim.
Từ tâm điểm câu chuyện "đất vàng" của VFS, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp yêu cầu các địa phương, bộ, ngành cần kiểm soát chặt đất đai thông qua sắp xếp lại danh mục đất đai, bất động sản thuộc quyền quản lý và sử dụng trước khi cổ phần hóa để quá trình xác định giá trị doanh nghiệp đảm bảo không thiếu sót.
"Tất cả doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa đều phải rà soát tới từng mét vuông đất. Riêng với Hà Nội, đấu giá đất theo mảnh và vị trí chứ không tính theo mét vuông", ông nói.
Cắt nghĩa cụ thể hơn, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng, nhiều doanh nghiệp chỉ nhăm nhăm vào đất đai nên phải sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa. “Làm cái này có thể mất thời gian nhưng mỗi mảnh đất be bé ở Hà Nội có giá trị lớn lắm”, Phó thủ tướng nói.
Cùng với rà soát chặt đất đai, giá trị doanh nghiệp thì công khai minh bạch hoạt động thông qua niêm yết trên sàn chứng khoán là 3 yếu tố, theo lãnh đạo Chính phủ, sẽ thúc đẩy quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Dẫn chứng về bài học của Sabeco, tổng giá trị của doanh nghiệp này khi cổ phần hóa chưa đầy 3 tỷ USD nhưng chỉ sau một năm lên sàn chứng khoán phải tuân thủ các báo cáo tài chính minh bạch thì thoái 53,59% vốn đã thu về gần 5 tỷ USD. Nếu bán hết có thể thu được 10 tỷ USD. Đây là hình mẫu của sự minh bạch trong thoái vốn. Trước đây một số DNNN bán đi, bán lại không được là vì cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Với những doanh nghiệp có quy mô vốn Nhà nước từ 1.800 tỷ đồng trở lên bắt buộc phải kiểm toán trước khi tiến hành cổ phần hóa. Những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ hơn, nếu thấy cần thiết, Chính phủ vẫn tiến hành kiểm toán thẩm định giá.